“Chủ trương điều chuyển phương tiện giảm ùn tắc giao thông là đúng nhưng phương thức và cách làm như thế nào để đảm bảo khoa học, vừa giảm ùn tắc giao thông cho thành phố để không ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp” - là nội dung được nhiều đại diện doanh nghiệp vận tải nêu ra tại cuộc đối thoại.
Lý do các doanh nghiệp phản đối phương án điều chuyển các tuyến vận tải khách liên tỉnh là các bến được chuyển về không có khách, các doanh nghiệp hoạt động khó khăn, đứng bên bờ vực phá sản.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội trao đổi, đối thoại với các nhà xe vào ngày 28/2 khi các nhà xe cùng kéo về Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Ông Trần Ngọc Quảng, Giám đốc Công ty vận tải Hà Xuân Hải chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa đặt câu hỏi: Sau 2 tháng điều chuyển phương tiện về bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm nhưng lượng khách ở hai bến xe này tăng lên không đáng kể, vậy số khách này đi đâu? Ông Quảng cho rằng, việc điều chuyển luồng tuyến ra khỏi bến Mỹ Đình là nguyên nhân khiến tình trạng “xe dù”, “bến cóc” tăng mạnh, đặc biệt tình trạng các văn phòng đại diện, “xe dù”, xe hợp đồng trá hình lộng hành ngoài khu vực bến Mỹ Đình, luồn lách vào nội đô, đón trả khách tại nhà đang đẩy các doanh nghiệp chấp hành về bến mới vào tình cảnh cực kỳ khó khăn.
Chi phí đi lại của người dân bị tăng lên do phải di chuyển từ bến xe này sang bến xe khác, thành phố cũng phải tăng thêm tiền trợ giá do tổ chức xe buýt trung chuyển, còn doanh nghiệp vận tải phải điều chuyển thì điêu đứng do vay nợ ngân hàng, thua lỗ. Ông Hải đề nghị cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động ổn định tại bến xe Mỹ Đình, thành phố có thể nghiên cứu lại nguyên nhân gây ùn tắc giao thông để áp dụng biện pháp khác phù hợp.
Bà Hồ Thị Hồng, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Phương, cho rằng việc doanh nghiệp đang chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa theo đường Hồ Chí Minh không ảnh hưởng đến ùn tắc trên đường vành đai ba thì tại sao lại bị điều chuyển về bến xe Yên Nghĩa? “Trước được vận động bỏ đường 1 lên đường Hồ Chí Minh, "bơi" mãi mới vào được đến "bờ" giờ lại được “lệnh” chuyển về bến xe Yên Nghĩa, xe xuất bến chỉ được 1 – 2 khách, doanh nghiệp đang rất khó khăn”, bà Hồng nói.
Còn ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Nam Định cho rằng, sau 2 tháng thực hiện điều chuyển phương tiện bộc lộ những bất hợp lý khiến doanh nghiệp thua lỗ quá nặng. Cụ thể 1 doanh nghiệp có 10 xe, điều chuyển trong 2 tháng thì tháng đầu lỗ 325 triệu đồng, tháng thứ 2 lỗ 272 triệu đồng. Với 150 xe chạy tuyến Nam Định bị điều chuyển gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Ngoài kiến nghị được quay trở lại hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, đại diện một số doanh nghiệp cũng có ý kiến nếu tiếp tục thực hiện điều chuyển thì cần có lộ trình và cần xóa bỏ hẳn bến xe Mỹ Đình. Ngoài ra, hiện bến Giáp Bát và Nước Ngầm khá gần nhau đang có trình trạng chạy trùng tuyến, cần nghiên cứu lại để chỉ đưa về một bến, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp vận tải phải chịu khi điều chuyển nhưng Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, việc điều chuyển phương tiện khỏi bến Mỹ Đình chạy hướng tuyến nào thì về bến hướng đấy là việc làm khoa học và cần thiết để giảm ách tắc giao thông cho Thủ đô. Sau 2 tháng điều chuyển, tình trạng quá tải và ùn tắc tại khu vực bến Mỹ Đình và đường vành đai ba đã được giải quyết.
Thừa nhận tình trạng “xe dù, bến cóc” và quản lý xe hợp đồng quá kém, Thứ trưởng cho rằng, không thể cho doanh nghiệp vận tải tiếp tục quay trở lại hoạt động tại bến xe Mỹ Đình vì nếu cho doanh nghiệp trở lại bến Mỹ Đình sẽ lại gây lộn xộn, ùn tắc. Điều cần thiết là phải tìm nguyên nhân tại sao bến Nước Ngầm, Yên Nghĩa lại vắng khách để có giải pháp hiệu quả. Trước mắt sẽ tạm dừng cấp phép xe hợp đồng và kiểm tra toàn bộ xe hợp đồng, nếu thấy vi phạm sẽ thu hồi giấy phép. Đề nghị thành phố phải có giải pháp bố trí xe trung chuyển kết nối giữa hai bến để khách vẫn có thể mua vé ở bến này rồi đi bến kia.
Về lâu dài phải bảo đảm nguyên tắc xe chạy mỗi tỉnh chỉ về 1 bến xe để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý xe dù bến cóc dọc đường vành đai ba đến bến xe Nước Ngầm; tổ chức tốt giao thông khu vực bến xe Nước Ngầm và triển khai tuyến buýt kết nối giữa 2 bến xe Mỹ Đinh và Nước Ngầm với giá vé như vé buýt nội thành, cho phép khách hàng được mang theo hàng hóa.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, việc quy hoạch các bến xe đang được thành phố kêu gọi đầu tư, phấn đấu trước năm 2019 sẽ có bến xe Yên Sở, sau khi có bến xe Yên Sở sẽ di chuyển bến xe Giáp Bát về đây. Phó Chủ tịch thành phố đề nghị các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, thành phố và Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổng hợp, kiểm tra lại các ý kiến của các doanh nghiệp để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3.