Họp hội đồng tiền lương quốc gia vào sáng ngày 26/7. |
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ), đại diện cho phía người lao động cho biết: Chúng tôi đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 7% do căn cứ vào khảo sát thực tế, hiện trạng của nền kinh tế. Đến giờ nghỉ của phiên họp Hội đồng tiền lương Quốc gia, phía VCCI chưa đưa ra mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Nhưng cá nhân tôi cho rằng với dự báo tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì sẽ phải điều chỉnh lên. Hiện các bên đang tranh luận liên quan về tỷ lệ lương thực và phi lương thực để qua đó xác định mức sống tối thiểu vùng.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ) cho rằng: Căn cứ chúng tôi đề xuất mức tăng 7-8% do nền kinh tế tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm là 7,8%, cao nhất trong 7 năm trở lại đâu, chỉ số CPI hiện nay đang phấn đấu kìm chế ở mức 4%. Hướng đến mục tiêu đạt được mức sống tối thiểu năm 2020 thì các chính sách điều chỉnh hài hòa mức tăng lương làm sao để hài hòa với khả năng của doanh nghiệp. Các bên đang làm rõ về những thông tin liên quan đến cách tính của bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia và làm căn cứ cho các bên tiếp tục đàm phán và bỏ phiếu.
Trong khi đó, phía đại diện cho người sử dụng lao động là ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Chúng tôi đang hội ý về các chỉ số do bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra và chưa thống nhất mức điều chỉnh, sẽ không phải là đề xuất 0% như phiên đầu tiên.
Theo quy chế của họp Hội đồng tiền lương quốc gia, các bên đều có quyền 1 lần xin dừng phiên họp để hội ý. Nếu các bên không thống nhất được mức điều chỉnh, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ đưa ra mức tăng dự kiến và các bên bỏ phiếu. Đây sẽ là kết quả để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để ra Nghị quyết điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào năm sau.
Đến trưa ngày 26/7, cả hai phía đại diện cho chủ sử dụng lao động và người lao động vẫn chưa thống nhất được mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2019. Phía đại diện cho giới chủ sử dụng lao động gồm đại diện VCCI đề xuất mức tăng 2%; Liên minh hợp tác xã đề xuất mức tăng 4%, còn đại diện hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội da giày, dệt may cho rằng sẽ tăng nhưng không đưa ra con số cụ thể. Trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ quan điểm tăng 7-8%. Do vậy, hai bên tiếp tục sẽ nghiên cứu tiếp về cách tính các chỉ số liên quan đến mức sống tối thiểu vùng và sẽ họp lại phiên thứ ba sau 2 tuần nữa.
Clip đại diện Tổng Liên đoàn nói về phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia phiên 2: