Nhiều NKH trẻ trở nên “lép vế” và lúng túng khi tham gia các công trình nghiên cứu ở trong nước, dù họ đã từng được giao chủ trì những công trình khoa học lớn, đoạt giải thưởng danh giá ở nước ngoài.
Rào cản niềm tin
Không được tin tưởng, thậm chí nhiều có sản phẩm thành công không được ứng dụng, có ý tưởng nhưng thiếu kinh phí nghiên cứu, thủ tục rườm rà… đang là những bức tường ngăn cản sức sáng tạo, cống hiến của các NKH trẻ.
Sẽ có nhiều cơ chế “thoáng” để nhà khoa học trẻ phát triển. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Sau 10 năm học tập và nghiên cứu tại Đại học California, Riverside (Hoa Kỳ), năm 2013, TS. Phạm Phương Chi (sinh năm 1982) trở về nước với “vốn liếng” là 3 bài nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế, 1 cuốn sách chuyên khảo,15 bài tham luận hội thảo quốc tế và 25 bài viết trên các tạp chí tiếng Việt nghiên cứu chuyên ngành. Tuy nhiên, từ khi về Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công tác đến nay, TS. Phạm Phương Chi mới chỉ được đảm nhiệm 2 đề tài cấp viện.
Theo TS. Chi, việc triển khai các đề tài khoa học vốn là công việc hằng năm của Viện để tạo thêm nguồn thu nhập cho cán bộ trong viện. Hầu hết các đề tài từ cấp Bộ trở lên chỉ dành cho các NKH đã có tuổi và có một vị trí nhất định, các cán bộ trẻ chỉ được tham gia hỗ trợ nghiên cứu, không được đứng chủ nhiệm đề tài nào. “Có lẽ các nhà quản lý chưa có đủ niềm tin vào các NHK trẻ vì đặc điểm tuổi đời còn ít, khiến chúng tôi khó mà tiếp cận với các đề tài cấp cao hơn. Trước khi về nước, tôi mang trong mình nhiệt huyết cống hiến rất lớn và rất nhiều dự định. Giờ thì cảm thấy hụt hẫng lắm, TS. Phạm Phương Chi chia sẻ.
Đó cũng là tâm trạng của Ths. Lê Văn Huyên, Ban phát triển mạng lưới- Tổng công ty Viễn thông Mobifone. Theo Th.s Huyên, do các nhà quản lý còn thiếu niềm tin vào các NKH trẻ, nên nhiều công trình nghiên cứu dù đã thành công, nhưng cuối cùng vẫn đắp chiếu vì không có cơ hội ứng dụng thực tế. Th.s Huyên cũng dẫn chứng: Đã từng có một công ty phần mềm trong nước nghiên cứu thành công ứng dụng dịch vụ viễn thông cho khách hàng, nhưng khi mang sản phẩm đó đến MobiFone và Vinaphone giới thiệu và chào hàng thì đều nhận được những cái lắc đầu. Tuy nhiên, sau đó vì lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng ứng dụng đó quá lớn, nên cả MobiFone và VinaPhone đều phải đăng ký mua sản phẩm tương tự của một công ty nước ngoài.
Rào cản kinh phí
Theo Ths. Huyên, kể cả trong trường hợp được tham gia nghiên cứu khoa học, nhưng nhiều công trình của các NKH trẻ cũng chưa được cấp đủ kinh phí để thực hiện, phải làm một cách hời hợt, thậm chí phải sao chép lại của người khác; do vậy chất lượng sản phẩm không thể cao, lại càng khiến cho các nhà quản lý thêm thiếu lòng tin vào giới trẻ.
TS. Phạm Văn Thu, Viện trưởng Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cũng thẳng thắn chia sẻ: “Đội ngũ nghiên cứu của Viện hiện nay phần lớn là các NKH trẻ, họ rất nhiệt tình và nhiều ý tưởng, tuy vậy để thực hiện được hết các ý tưởng thì rất khó vì vấn đề xin kinh phí không đơn giản. Có những đề tài Viện phải phối hợp để giải thích, giải trình với cấp trên mới được chọn. Nhiều đề tài mang tính chất “dẫn đường” chúng tôi phải tạo điều kiện bằng cách tự trích kinh phí của Viện cho họ làm. Thậm chí để hỗ trợ cho các đề tài, anh em cán bộ trong Viện cũng phải vận động lẫn nhau xây dựng một quỹ để cho các nghiên cứu sinh có kinh phí làm thí nghiệm. Phải tìm nhiều cách mới có cơ hội cho các NKH trẻ thực hiện các ý tưởng của họ”.
Ông Nguyễn Đình Nam, Giám đốc công ty VP9: Nhà nước nên lập một quỹ đầu tư dành riêng cho các NKH trẻ có năng lực nghiên cứu. Thông qua quỹ này, các NKH trẻ có thể được vay tiền với lãi suất thấp không cần thế chấp, để thực hiện ý tưởng nghiên cứu của mình, biến nó thành sản phẩm phục vụ cuộc sống. Đồng thời Nhà nước cũng có cơ chế quảng cáo miễn phí cho các sản phẩm khởi nghiệp, thành lập những hội đồng thẩm định, đánh giá tìm ra các sản phẩm tiềm năng để hỗ trợ. |
Dù biết trong khoa học phải biết đam mê vượt lên những tính toán. Tuy vậy “cơm áo không đùa với khách thơ”, TS. Phạm Phương Chi tỏ ra lo ngại: “Để hoàn thành một công trình khoa học cần rất nhiều thời gian và công sức, thạm chí NKH phải tự ứng tiền ra để làm. Nếu so với mức lương của các NKH hiện nay vẫn theo định mức và hệ số của nhà nước thì không thấm vào đâu. Cho dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay trong quá trình công tác chúng tôi có bao nhiêu bài báo trong nước và quốc tế được công bố, nhưng mức lương vẫn không thay đổi theo hạn mức: 3 năm tăng 1 lần. Với mức đãi ngộ như vậy, không chỉ tôi mà rất nhiều NKH cũng cảm thấy đôi chút hoang mang”.
TS. Nguyễn Bá Hải, Giám đốc Trung tâm Dạy học số, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Để nghiên cứu thành công sản phẩm “mắt thần” là công cụ hỗ trợ như mang lại ánh sáng cho người mù, tôi đã phải trải qua thời gian dài ấp ủ và nghiên cứu từ những năm còn học ở Hàn Quốc, đến khi về nước mới bắt tay thực hiện. Tôi đã phải gần như “dốc hết cơ nghiệp” khi phải bán đi căn nhà và 2 chiếc xe hơi mới đủ kinh phí nghiên cứu hoàn thành được sản phẩm này”. Cũng theo TS. Hải, nếu xin kinh phí của Nhà nước thì không thể triển khai đề tài, chưa nói tới việc có được duyệt đề tài hay không. Anh thừa nhận là “ngại” tiếp cận với các đề tài, dự án cũng như quỹ khoa học công nghệ (KHCN) của Nhà nước vì sợ thủ tục rườm rà, đến khi được duyệt thì đề tài, dự án đã lạc hậu.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng thừa nhận: Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chưa thực sự nhận thức đúng vai trò và tính đặc thù của KH&CN, chưa coi trọng cán bộ khoa học trẻ, chậm đổi mới tư duy. Chưa có những chính sách thực sự hiệu quả trong việc trọng dụng cán bộ khoa học giỏi. Tuy nhiên, để hình thành được cơ chế mới, phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, thực hiện được những cơ chế chính sách Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, một mình Bộ KH&CN chưa đủ thẩm quyền và điều kiện. Sự nghiệp chung đòi hỏi sự nỗ lực và đồng thuận của toàn xã hội và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.