Tổng lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 8/6 đến 9 giờ ngày 9/6 tại các trạm khí tượng thủy văn phổ biến từ 30 - 80 mm. Một số điểm đo mưa tự động có lượng mưa lớn hơn như: Lang Chánh 125,6 mm, Thiết Kế (Bá Thước) 125,4 mm, Trung Lý (Mường Lát) 121,2 mm, xã Na Mèo (Quan Sơn) 104 mm...
Dự báo từ ngày 11-13/6, khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa, mưa vừa với lượng mưa phổ biến từ 30 - 150 mm. Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, các huyện miền núi Bá Thước, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Mường Lát, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất.
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.