Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Ông đánh giá như thế nào về công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới của ngành trong thời gian qua?
Bão, áp thấp nhiệt đới là thiên tai rất nguy hiểm đối với nước ta. Chính vì vậy, việc theo dõi, dự báo cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới được đặc biệt chú trọng và không ngừng được đầu tư, phát triển cả về công nghệ quan trắc, dự báo, nguồn nhân lực.
Dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đã có bước phát triển vượt bậc và tiệm cận đến trình độ của các nước phát triển về khí tượng thủy văn trên thế giới, trong khu vực cả về xác định khả năng hình thành bão, áp thấp nhiệt đới, thời gian dự báo sớm, hạn dự báo dài, mức độ chi tiết về gió mạnh, gió giật mạnh, vùng nguy hiểm trên biển, vùng ảnh hưởng trên đất liền và hệ quả mưa lớn, sóng biển, nước dâng do bão, áp thấp nhiệt đới.
Năm 2010, ngành vẫn chỉ dự báo bão, áp thấp nhiệt đới được trước 24 - 48 giờ, nhưng hiện tại đã nâng thời hạn dự báo bão, áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày (72 giờ), cảnh báo đến 5 ngày (120 giờ). Mức độ tin cậy của các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới ngày càng tăng lên. Sai số dự báo bão hạn 3 ngày chỉ bằng hoặc nhỏ hơn so với sai số dự báo bão, áp thấp nhiệt đới hạn 1 - 2 ngày của 10 năm trước đây.
Việc dự báo mưa lớn do bão, áp thấp nhiệt đới được cải thiện nên các dự báo lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đáp ứng tốt hơn công tác phòng chống thiên tai tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Việc dự báo bão/áp thấp nhiệt đới nhanh, sát thực tế có tác dụng thế nào đối với cộng đồng trong phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?
Trong công tác phòng chống thiên tai có 3 giai đoạn chính: Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục. Dự báo bão, áp thấp nhiệt đới nhanh, tin cậy có vai trò quan trọng trong cả ba giai đoạn này, đặc biệt là giai đoạn phòng ngừa và ứng phó. Trên Biển Đông, thông thường thời gian từ khi hình thành, phát triển đến khi đổ bộ hoặc tan trên biển của bão, áp thấp nhiệt đới khoảng 3-5 ngày nên công tác ứng phó rất ngắn, rất khẩn trương. Thông tin dự báo càng sớm càng tốt và được tính bằng giờ chứ không tính bằng ngày như các loại thiên tai khác.
Đối với các hoạt động trên biển, để giúp các phương tiện hoạt động trên biển nhanh chóng thoát ra ngoài vùng nguy hiểm của bão, áp thấp nhiệt đới hoặc vào kịp thời các khu tránh trú an toàn đòi hỏi các thông tin dự báo phải rất sớm, tin cậy về cả vị trí, cường độ, hướng di chuyển và vùng gió mạnh, sóng lớn để các cơ quan chức năng hoặc chủ phương tiện quyết định phương án an toàn nhất.
Đối với các hoạt động ven bờ, trên đất liền, thông tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới khẩn cấp trước 1-2 ngày (đối với bão là 2 ngày, áp thấp nhiệt đới là 1 ngày) với khu vực trọng tâm khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới về gió, sóng, nước dâng, mưa lớn sẽ giúp các địa phương ứng phó kịp thời, phù hợp như sơ tán dân, gia cố, chằng chống nhà cửa, công trình, thậm chí là thu hoạch thủy, hải sản nhằm mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Do vậy, về cơ bản, thiệt hại trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới về người và tài sản trên biển, vùng ven biển được giảm thiểu tối đa trong những năm qua.
Các hoạt động kinh tế - xã hội rất cần thông tin dự báo bão nhanh và tin cậy phục vụ việc điều chỉnh tạm thời các kế hoạch để phù hợp với diễn biến và ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới. Điển hình là việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, học tập, lịch bay, tuyến đường, du lịch,... Cần nói thêm rằng, hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai không chỉ có chất lượng dự báo quyết định mà còn ở sự chủ động và hành động sớm của cộng đồng. Đấy là yếu tố quan trọng bên cạnh thông tin dự báo.
Thưa ông, thời gian qua, công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
Ngành Khí tượng thủy văn đã có nhiều thuận lợi. Cụ thể, công tác dự báo khí tượng thủy văn được thể chế hóa trong các Luật, Nghị định. Công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đã có quy trình thực hiện.
Cùng với đó, mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia từng bước được củng cố và đổi mới theo hướng tự động hóa. Đến nay, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia có khoảng 1.800 trạm với tỷ lệ tự động hóa các hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn đạt từ 70 đến 80%.
Ngoài ra, sự phối hợp chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa Việt Nam với các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế thường xuyên và hiệu quả hơn, qua đó chúng ta có thêm nhiều phương án tính toán, dự báo. Việt Nam cũng đã chủ động được mô hình dự báo độ phân giải cao để nâng cao độ tin cậy của dự báo. Đội ngũ dự báo viên ở Trung ương và địa phương được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm trong dự báo bão, áp thấp nhiệt đới.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khó khăn mà ngành phải đối mặt trong công tác này. Theo đó, bão, áp thấp nhiệt đới là loại hình thiên tai khó lường có diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là diễn biến cường độ bão, áp thấp nhiệt đới.
Kỹ năng dự báo của mô hình dự báo tại Việt Nam hiện nay còn hạn chế (sai số dự báo vị trí bão trước 24 giờ của các nước tiên tiến như Nhật Bản hiện nay vẫn ở mức 50 đến trên 100 km). Số liệu quan trắc trên Biển Đông còn khó khăn, chủ yếu dựa trên quan trắc vệ tinh, còn dữ liệu rada chỉ hiệu quả khi bão, áp thấp nhiệt đới vào gần bờ (khoảng 200 km).
Bên cạnh đó là việc hạn chế cập nhật các thông tin, dữ liệu đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên biển và đất liền, nơi có khả năng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới để có thể xác định cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp trong các bản tin bão, áp thấp nhiệt đới.
Ngày 1/7/2024, Luật Phòng thủ dân sự chính thức có hiệu lực. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ được thay thế bằng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia. Điều này có ý nghĩa và thay đổi như thế nào, thưa ông?
Theo đánh giá của cá nhân tôi, việc hợp nhất này rất hiệu quả để chúng ta tạo ra một khung pháp lý thống nhất, đồng bộ để hành động chung cho cả hệ thống, cho việc phòng, chống thiên tai cũng như ứng phó các sự cố. Nó sẽ tạo cho chúng ta một điều kiện là mọi thông tin chỉ đạo, điều hành được thống nhất, tránh chồng chéo, phân tán nguồn lực. Chúng tôi có một đầu mối duy nhất tiếp cận thông tin, tránh trường hợp phải gửi nhiều nơi như trước đây. Đó là thuận lợi.
Việc hợp nhất Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai – tìm kiếm cứu nạn về một mối là “Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia” theo Luật Phòng thủ dân sự sẽ tạo khung pháp lý chung nhất vì dù phòng chống thiên tai hay ứng phó sự cố thì vẫn là các lực lượng ấy tại cơ sở.
Mặc dù chưa có Nghị định của chính phủ quy định chi tiết về điều, khoản này của Luật Phòng thủ đân sự nhưng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quy định trách nhiệm, nhiệm vụ của các Bộ Quốc phòng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường,… không để khoảng trống trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ngay trong mùa bão, lũ 2024.
Đối với công tác dự báo, cảnh báo thiên tai nói chung, dự báo, cảnh báo bão/áp thấp nhiệt đới nói riêng, chúng tôi tiếp tục thực hiện theo đúng các quy trình, quy định trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai (Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai); chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác dự báo phục vụ góp phần vào nhiệm vụ chung là bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.
Chúng ta cần làm gì để công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới ngày càng được nâng cao, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội cho từng địa phương, thưa ông?
Để công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới mang lại hiệu quả đối với các địa phương, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã quy định phân cấp trách nhiệm trong việc ban hành bản tin dự báo, cảnh báo giữa cấp Trung ương (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) và các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, tỉnh, trong đó các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, tỉnh cần chi tiết hóa bản tin và đặc biệt là dự báo tác động và rủi ro thiên tai có thể xuất hiện do bão, áp thấp nhiệt đới đối với địa phương.
Điều quan trọng nhất là cần thông tin kịp thời cho lãnh đạo và người dân địa phương về các rủi ro thiên tai. Bài học kinh nghiệm của chúng tôi là phải bám sát, thường xuyên, liên tục tình hình thiên tai và cung cấp các thông tin này cho chính quyền địa phương để có bước chỉ đạo, điều hành kịp thời.
Bên cạnh đó, hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia thường xuyên tổ chức thảo luận, nhận định về diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới với các đơn vị chuyên môn khác nhau và các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong dự báo bão, áp thấp nhiệt đới. Các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, tỉnh cần chắt lọc thông tin từ các thảo luận này và cụ thể hóa trong các bản tin của địa phương.
Bài toán ứng phó với thiên tai chính là quản trị rủi ro thiên tai; nghĩa là phải lường trước được mức rủi ro có thể từ thấp đến cao; trên cơ sở đó, chuẩn bị công tác ứng phó đầy đủ để dù thiên tai có xảy ra ở mức nào, chúng ta cũng luôn sẵn sàng ứng phó, không bị động trước thiên tai. Điều này thế giới đang làm và Việt Nam cũng đang từng bước triển khai.
Năm 2024 được nhận định tiếp tục là năm có diễn biến thiên tai phức tạp do chuyển đổi giữa hai trạng thái El Nino và La Nina và trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. Bão có khả năng xuất hiện nhiều trên Biển Đông, tập trung trong thời gian ngắn. Đáng lưu ý hơn, thời gian hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới gần trùng với cao điểm mùa mưa trên các khu vực. Chính vì vậy, ngành Khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, giám sát và dự báo theo hướng chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống dự báo chủ động, sẵn sàng có các quan trắc bổ sung, tăng tần suất phát tin dự báo để người dân nắm bắt kịp thời khi cần thiết.
Ngành bổ sung các dự báo chuyên đề, dự báo từ sớm, từ xa để chính quyền và người dân địa phương biết và chủ động; nhất là đối với các cơn bão mạnh, mức độ ảnh hưởng lớn (ví dụ như bản tin dự báo riêng cho các huyện đảo Trường Sa, Lý Sơn,…).
Ngành cũng thực hiện vận hành các hệ thống thông tin cảnh báo trực tuyến về bão, áp thấp nhiệt đới, trực tuyến về nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và trực tuyến về cảnh báo dông sét. Đồng thời, tiếp tục kết nối và tăng cường công tác trao đổi thông tin giám sát, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới với các Cơ quan Khí tượng thủy văn quốc tế như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc,... tăng cường cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, báo chí nhằm truyền tải khách quan, kịp thời các thông tin về thiên tai nói chung và bão, áp thấp nhiệt đới nói riêng để cộng đồng chủ động phòng tránh.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ Hoàng Đức Cường.