Chủ động đối phó với siêu bão Haiyan

Cấm biển trong ngày 10/11

Ngày 7/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1816/CĐ-TTg về việc chỉ đạo chủ động đối phó với siêu bão Haiyan.


Nội dung Công điện như sau:


Siêu bão Haiyan hoạt động phía biển Đông miền Trung Philippin với cường độ cấp 17, đang di chuyển nhanh về phía Đông. Dự kiến tối nay 8/11 bão sẽ đi vào Biển Đông, đêm 10/11 bão sẽ đổ bộ vào bờ. Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp. Để chủ động đối phó với siêu bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận kiểm tra tàu thuyền vào neo đậu tại cảng cá Cà Ná, huyện Thuận Nam. Ảnh: Công Thử - TTXVN


Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ:
Ra khỏi vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 08 đến Nam Vĩ tuyến 16 và phía Đông Kinh tuyến 112 trước 19 giờ ngày 8/11/2013;


Các phương tiện hoạt động ở vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 10 đến Nam Vĩ tuyến 20 về nơi trú tránh trước 19 giờ ngày 9/11/2013.


Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Định:


Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, cửa sông, căn cứ tình hình thực tế, chủ động thực hiện cấm biển, cấm tàu thuyền hoạt động trên sông trong ngày 10/11/2013;


Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè;


Tổ chức chặt tỉa cây, chằng chống nhà cửa, công trình; chủ động cho học sinh nghỉ học; rà soát phương án, chuẩn bị, tổ chức ơ tán nhân dân vùng cửa sông, ven biển, nhà ở không đảm bảo an toàn, đặc biệt là sơ tán nhân dân các làng ven biển tới các nhà, công trình kiên cố cách bờ biển 500 m; hoàn thành trước 13 giờ ngày 10/11/2013;


Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo kịp thời cho dân cư sống ven sông suối, vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét; chủ động ứng phó sơ tán dân đảm bảo an toàn;


Chỉ đạo kiểm tra phương án đảm bảo an toàn cho hạ du các hồ chứa nước; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du;
Tổ chức rà soát các phương án 4 tại chỗ: Chỉ huy, hậu cần, lực lượng, lương thực để chủ động ứng phó khi có lũ, bão.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra hướng dẫn sơ tán, neo đậu tàu cá đảm bảo an toàn cho ngư dân; rà soát kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi;


Bộ Quốc phòng chỉ đạo hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú tránh; giúp nhân dân sơ tán đảm bảo an toàn; chuẩn bị lực lượng tổ chức cứu hộ, cứu nạn;


Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương có phương án điều tiết hoạt động giao thông trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh.
Tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão, cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực bão đổ bộ vào đất liền (trừ các phương tiện đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão); đảm bảo an ninh trong công tác sơ tán dân; kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.


Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.


Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến bão, mưa, lũ, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với bão, mưa, lũ.

 

lTrước dự báo nguy hiểm về cơn bão Haiyan, trưa hôm qua, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau, các bộ ngành liên quan khẩn trương đối phó với bão.


Bộ trưởng yêu cầu các địa phương kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ. Các tàu phải ra khỏi vùng biển từ bắc vĩ tuyến 8 đến nam vĩ tuyến 16 và phía đông kinh tuyến 112 trước 19 giờ chiều nay (8/11). Các phương tiện hoạt động ở vùng biển bắc vĩ tuyến 10 đến nam vĩ tuyến 20 về nơi tránh trú trước 19 giờ ngày 9/11. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven bờ, cửa sông; chủ động cấm biển, cấm tàu hoạt động trên sông trong ngày 10/11. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình dầu khí nằm trong khu vực nguy hiểm.


Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đến hôm qua, bộ đội biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã thông báo, hướng dẫn cho 85.181 phương tiện/384.683 người chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó, riêng khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) có 428 phương tiện/6.315 lao động; các khu vực khác là 84.753 phương tiện/378.368 người. Ngoài ra, 5 tàu bị hỏng máy, trôi tự do trên biển hôm 6/11 đã được các tàu của hải quân, biên phòng và ngư dân lai dắt vào bờ, cảng tránh trú an toàn vào sáng qua.

Theo Vụ Quản lý Công trình Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), trong số 55 hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa Vũng Tàu có nhiều hồ như: Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định), Suối Lớn (Ninh Thuận), Nông Trường 4 (Bình Phước), Tà Mon, Tân Lập, Trà Tân (Bình Thuận) có đập bị thấm mạnh, tràn xả bị vỡ. Các hồ chứa thủy điện cũng trong tình trạng tương tự. Đến hôm qua, có 7 hồ thủy điện xả tràn, gồm: Thủy điện Quảng Trị, A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, A Vương, Đắk Mi 4A, Sê San 4A.


TTN - Huyền Tím


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN