Cũng như nhiều vùng quê khác trên mảnh đất hình chữ S, đã bao đời nay người dân vùng biển Quảng Xương (Thanh Hóa) vẫn bám đất, bám biển, lênh đênh trên những con sóng để kiếm miếng cơm manh áo, gìn giữ cái nghề đầy cơ cực mà ông cha mình để lại. Thế nhưng, không biết từ bao giờ gió, cát, nghèo, đói cứ bám riết lấy cư dân nơi đây như một định mệnh. Những ngư dân “oằn mình” sống bên sự dữ dội của biển khơi, vẫn ngày ngày cưỡi trên những con sóng để kiếm con cá, con tôm… với mong muốn ngày mai có một cuộc sống no ấm.
Nhọc nhằn nghề đi biển
Chúng tôi tìm về xã Quảng Đại (Quảng Xương, Thanh Hóa) vào những ngày đầu tháng 4. Quảng Đại nằm chênh vênh bên bờ biển đầy gió, cát và phi lao, thấp thoáng ngoài khơi những ngư dân đang cần mẫn đánh bắt cá, tôm. Trên bờ vợ, con của họ đang chờ đợi những con thuyền “cá đầy khoang” cập bến để còn kịp đem hàng xuống chợ bán.
Do phương tiện thô sơ nên cuộc sống những người đi biển còn gặp nhiều gian khó. Ảnh: Thanh Tuấn |
Quảng Đại là một xã nghèo của huyện Quảng Xương, phương tiện đi biển của ngư dân nơi đây là những chiếc mảng được kết lại từ những cây luồng, kết hợp với những miếng xốp hỗ trợ bên dưới, nhà nào khấm khá hơn thì có thêm chiếc máy gắn vào mảng. Do công cụ khai thác thô sơ, nên người dân nơi đây chủ yếu đánh bắt gần bờ, cuộc sống của họ vì thế gặp nhiều khó khăn. Cứ khoảng 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng là họ bắt đầu ra khơi, 8 giờ sáng hôm sau là thời điểm cập bờ. Thành quả lao động sau nhiều tiếng lênh đênh trên biển chẳng được là bao. Chìa chiếc thúng về phía chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tuyên ở thôn 8, Quảng Đại thở dài: “Mấy hôm nay biển động, tôm cá hiếm lắm, đánh được ngần này chỉ đủ chi trả tiền xăng dầu”. Hôm nay gia đình nhà tôi phải đi đong gạo chịu về ăn thôi.
“Vài năm trở lại đây đi biển “bạc” lắm, kiếm không đủ ăn là chuyện thường, những ngày trời yên bể lặng thì không sao, những hôm nào biển động thì cả làng đói ăn là chuyện thường” – anh Tuyên cho biết thêm. Quả đúng như vậy, đã bao đời lênh đênh trên biển nhưng những cư dân nơi đây vẫn đang đối mặt với vô vàn những khó khăn, vất vả. Do phải chạy ăn từng bữa nên những lúc ốm đau, bệnh tật hay có công lên việc xuống chẳng biết kêu ai vì trong làng, trong xóm ai cũng nghèo đói cả, nên họ phải đi vay lãi, thậm chí vay cả lãi ngày.
Rời Quảng Đại, chúng tôi đến Quảng Thái, mảnh đất bao nhiêu năm qua đã gắn liền với cái tên “Làng ăn mày”. Xuất xứ của cái tên gọi ấy cũng do đói nghèo mà ra, trước đây xã Quảng Thái nghèo lắm, cứ dân nơi đây đi biển không đủ sống thế rồi họ bỏ làng, bỏ quê đi khắp nơi bôn ba kiếm sống, rất đông trong số đấy đã chọn nghiệp “cái bang” để mưu sinh. Thế rồi cái tên “làng ăn mày” gắn chặt với cái miền quê biển này lúc nào không ai hay. Hiện nay Quảng Thái vẫn nghèo, và vẫn có người đi xin ăn.
Trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt ông Tô Văn Trương, một cư dân làng Đồn Điền (Quảng Thái) luôn hướng ra biển như mong mỏi một điều gì đó. Ông thở dài: “Đời ông, đời bố tôi ai cũng nghèo, đến đời tôi vẫn không thể thoát được cái kiếp nghèo, không biết rồi đây đến đời con cháu chúng tôi sẽ ra sao?”.
Còn đó những nỗi lo
Cứ mỗi buổi sáng ở các bãi biển Quảng Xương người đợi tàu, bè về để thu mua cá đứng chật kín bờ biển, có nhiều hôm cung không đủ cầu. Lân la hỏi chuyện, chúng tôi được chị Trần Thị Loan một người buôn cá cho hay: “Hôm nào mua được cá thì hôm ấy có tiền đong gạo, mua ít rau củ, mắm muối, còn hôm nào không có cá thì đi đong gạo chịu về ăn, mai mốt có tiền thì trả sau. Dân biển chúng tôi ở đây nhà nào cũng thế cả”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tỷ lệ hộ nghèo của những cư dân miền biển rất cao. Đơn cử như xã Quảng Nham tỷ lệ này chiếm 37,6% và hộ cận nghèo là 30%, chiếm gần 2/3 dân số trên địa bàn. Vấn đề cơm áo, gạo tiền luôn đè nặng trên đôi vai chai sạn của những cư dân vùng biển, chính vì thế mà đời sống tinh thần của người dân cũng không được nâng cao, đặc biệt là việc học của con em nơi đây luôn bị bỏ ngõ. Dẫu biết thất học là khổ nhưng đối với người dân vùng biển này, họ không có sự lựa chọn nào khác, bởi nghề biển ăn chưa no thì lấy gì mà học. Vậy nên con trai lớn lên thì đi biển, con gái ở nhà phụ giúp gia đình, cuộc sống nó cứ theo cái vòng luẩn quẩn như vậy nên đói nghèo cứ thế hệ này nối tiếp qua thế hệ kia, khiến cho ngư dân miền biển bao đời vẫn vậy, vẫn nặng nợ bám biển và mong mỏi một sự đổi thay.
Không chỉ thất học, dân miền biển đang đứng trước bài toán nan giải về môi trường, dọc các xã ven biển ở Quảng Xương đâu đâu cũng thấy rác, rác chất từng đống trên bãi biển với đủ các loại rác từ rác thải sinh hoạt, xác động vật… khiến cho môi trường nơi đây đang bị ô nhiễm nặng. Điều lạ nữa là cư dân nơi đây vẫn đang tồn tại một “tập quán” đã có từ bao đời nay là biến bãi biển thành... nhà vệ sinh, đây là một “thói quen” khó bỏ của dân vùng biển, nên đến nay vẫn còn 1/3 hộ dân chưa có nhà vệ sinh, chính điều này đã làm cho môi trường ven biển đã ô nhiễm nay càng ô nhiễm hơn.
Cuộc sống nghèo đói, bếp bênh, ô nhiễm môi trường và trẻ em thất học đang là một bài toán nan giải của các xã ven biển ở Quảng Xương. Để vấn đề trên được giải quyết thì cư dân nơi đây rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp tỉnh và trung ương, có như vậy thì chuyện của ngư dân miền biển Quảng Xương may ra mới có hồi kết tốt đẹp.
Thanh Tuấn