Chợ phiên Hà Nội: Nét “quê” còn đến bao giờ? - Bài cuối

Nét mặt tươi tắn của bà cụ răng đen ngồi bán hạt giống nơi góc đường Hoàng Hoa Thám bỗng trở nên buồn khi tôi hỏi bà về chợ Bưởi. Dường như bà buồn không chỉ bởi không còn chỗ ngồi trong chợ để bán hạt giống như khi chợ Bưởi còn gian hàng mái lá đơn sơ, mà còn buồn vì ký ức chợ Bưởi một thời đã dần phai nhạt.

 

Cây cảnh xếp hàng dài dọc bờ sông Kim Ngưu trong phiên chợ Mơ.

 

Dù đã cố gắng níu giữ, chợ Bưởi và chợ Mơ ngày nay cũng đã khác xưa rất nhiều, không còn là phiên chợ “làng” như trong tâm thức của bao đời người Hà Nội. Trong khi chợ Mơ đã bị thay thế bằng một tòa nhà đồ sộ sắp sửa hoàn thành trên phố Minh Khai, thì chợ Bưởi từ lâu đã là trung tâm thương mại, còn chợ truyền thống thì chỉ được “dành” cho một góc nhỏ để duy trì, thậm chí di chuyển sang họp rải rác trên đường Hoàng Hoa Thám, mạnh ai nấy ngồi. Ngoài góc bán cây cảnh con giống họp theo phiên, chợ Bưởi bây giờ cũng không khác gì những chợ khác ở Hà Nội, họp cả ngày và phần lớn là những ki ốt bán quần áo, tạp hóa, đồ ăn... Ai lần đầu tiên đến chợ Bưởi để xem chó mèo hay cây giống chắc chắn phải hỏi thăm người ở đây mới có thể tìm thấy góc nhỏ bán những thứ hàng hóa mà chính nó đã làm nên tên tuổi của phiên chợ này.


Chị bán hàng bún trong chợ Bưởi cho biết, từ khi chợ quy hoạch lại thì không còn đông đúc như thời còn lụp xụp mái lá nữa. Trong chợ, các sạp hàng, kiốt đều than thở vì khó buôn bán, không có người mua, chợ vắng vẻ, chỉ có đến ngày chợ phiên truyền thống thì mới có không khí họp chợ. Tuy chợ phiên truyền thống chỉ được dành một góc nhỏ trên dốc chợ đi lên đường Hoàng Hoa Thám, thậm chí người bán không có chỗ phải ngồi tràn lan cả ra ngoài đường, nhưng đến phiên thì kẻ mua, người bán tấp nập.


Còn bây giờ tới lượt chợ Mơ cũng phải “thay áo mới” khi bị chuyển sang khu chợ tạm để chờ xây tòa nhà cao ngất ngưởng trên khu đất chợ xưa. Dù có sự biến động lớn, chợ Mơ vẫn đang cố “lay lắt” giữ nếp phiên dù phải bám 2 bên sông Kim Ngưu để họp chợ. Tất nhiên nay chẳng còn ai dắt trâu, bò, ngựa, lợn vào đây mà bán, nhưng chim, gà và chó, mèo, thì vẫn là mặt hàng chính của phiên chợ. Những người bám trụ chợ Mơ đã bao năm nay vui mừng cho biết chỉ còn mấy tháng nữa chợ lại về vị trí xưa, khang trang, to đẹp hơn. Tuy vậy có một nỗi buồn là chợ phiên truyền thống cũng sẽ lại chỉ chiếm một góc riêng để họp giống như chợ Bưởi. Thế là cái tên chợ Mơ lại không còn dành riêng để nói đến phiên chợ truyền thống ngày 2, ngày 7 ấy nữa...


Những người Hà Nội đã từng sống cùng với ký ức của chợ Mơ, chợ Bưởi đều chỉ biết lắc đầu tiếc nuối. Với họ, dù vẫn giữ được hình thức cũ, vẫn họp theo phiên, vẫn cây con hạt giống nhưng chợ Bưởi, chợ Mơ bây giờ đã không còn thuần chất như xưa kia, đó là bởi chính người mua người bán. Người Hà Nội bây giờ đến chợ Mơ, chợ Bưởi chủ yếu là chơi chợ, nó như một thú vui, đến để chiêm ngưỡng, để thưởng thức chứ không như xưa chờ đợi phiên chợ nhiều khi chỉ để mua ít cây con, hạt giống về trồng, bán ổ chó, ổ mèo, con gà... của nhà nuôi được. Phiên chợ trong ký ức của họ là người bán, người mua đều rất thật thà, chất phác, làm gì có cảnh giành giật khách, “chặt chém” người mua, đốt vía...


Nhìn khách mua, người thăm thú đang bao vây xem anh bán chó, mèo nhanh tay, nhanh miệng chọn và giới thiệu cho khách về các giống chó đẹp, cách chọn giống tốt mới thấy dù cuộc sống hiện đại, nhà cửa chật hẹp nhưng vẫn còn rất nhiều người thích nuôi chó mèo, cây cảnh. Những thú chơi đó còn thì chợ Mơ, chợ Bưởi còn tồn tại, tuy nhiên cuộc sống hiện đại có thể sẽ vẫn tiếp tục làm biến dạng những phiên chợ truyền thống này. Và không biết, sẽ còn bao lâu nữa cho những nét đẹp chợ phiên Hà Nội xưa.



Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Chợ phiên truyền thống Hà Nội: Nét “quê” còn đến bao giờ?
Chợ phiên truyền thống Hà Nội: Nét “quê” còn đến bao giờ?

Cùng với hàng trăm siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên từng ngày, Hà Nội vẫn còn có những phiên chợ truyền thống tồn tại như một nét văn hóa đẹp của đất Thăng Long. Nhưng liệu nét văn hóa này còn tồn tại được đến bao giờ lại là điều đáng trăn trở.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN