Giải cơn khát vốn
Cách đây 7 năm, gia đình chị Thành Thị Sữa (dân tộc Chăm, ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) có người mất, theo phong tục địa phương chi phí ma chay tốn kém nên có 4 sào ruộng nhà chị phải đem thế chấp người quen để vay nợ. Những năm sau đó, đợt hạn hán kéo dài 3 năm liền càng làm cho cuộc sống thêm khó khăn. Tháng 2/2016, chị Sữa được vay 40 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thông qua Hội Phụ nữ mà không cần tài sản thế chấp. Có vốn, lại được cán bộ tín dụng cùng chính quyền, hội đoàn thể giúp đỡ hướng dẫn làm ăn, chị Sữa mạnh dạn đầu tư nuôi bò.
Hướng đi đúng đã giúp gia đình chị Sữa phát triển đàn bò, nuôi thêm đàn dê. Khi chúng tôi đến thăm, hai vợ chồng chị đang lùa đàn bò 3 con, đàn dê 3 con (và hàng chục con khác chăn thuê) về chuồng. Chị Sữa khoe vừa bán hai con bò thu 16 triệu đồng và chuộc được 4 sào ruộng về. Ngoài ra, hồi tháng 9/2018, gia đình chị còn được vay vốn ưu đãi 12 triệu đồng từ NHCSXH để xây công trình nước sạch và nhà vệ sinh, chất lượng cuộc sống nhờ đó cải thiện đáng kể. Đến nay, mỗi tháng chị Sữa dành dụm 350.000 đồng trả lãi và gốc, đồng thời tiết kiệm được tối thiểu 200.000 đồng gửi vào ngân hàng.
Clip chị Thành Thị Sữa kể về việc được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi:
Cũng có cuộc sống ngày càng ổn định như chị Sữa, chị Thị Bét, dân tộc Raglai, ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn được vay vốn theo chương trình hộ nghèo từ tháng 11/2016 để nuôi bò và cừu, vay 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để làm công trình nước sạch và nhà vệ sinh từ tháng 7/2018. Đến nay, chị Thị Bét đã có khối tài sản mà mấy năm trước chỉ có trong mơ gồm 3 con bò và hơn 100 con cừu, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Đó chỉ là 2 trong số 1.567 hộ ở xã Bắc Sơn (chiếm hơn 75% số hộ của xã) được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ, với tổng dư nợ đến ngày 30/4/2019 là hơn 68 tỷ đồng. Nguồn vốn được tập trung cho các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Ông Tôn Long Dũng, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, từ nguồn vốn chính sách ưu đãi, các hộ vay đã cải thiện được kinh tế gia đình, phát triển sản xuất, góp phần giảm bình quân mỗi năm trên 5% hộ nghèo của xã.
Khi chính sách đi vào cuộc sống
Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã nêu rõ: “Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tuy nhiên, Ban Bí thư cũng nêu một số điểm hạn chế, trong đó có việc một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội...
Nói về việc thực hiện các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong Chỉ thị 40, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, ông Lê Kim Hoàng cho biết: “Chúng tôi xác định đây là chính sách an sinh lớn, đặc biệt ý nghĩa với vùng miền núi dân tộc khó khăn như Thuận Bắc. Ngay khi có Chỉ thị 40, Tỉnh ủy cũng có Chỉ thị 67 cho các huyện thị. Từ đó Huyện ủy cũng có chỉ đạo và UBND huyện xây dựng ngay kế hoạch cụ thể hóa. Phải nói rằng từ nhận thức lãnh đạo cho đến cán bộ cơ sở phải tham gia vì đây là một chính sách có ý nghĩa, giúp cho bà con mình”.
Theo mô hình đặc thù của NHCSXH, huyện Thuận Bắc đã phân công một đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện. Chủ tịch UBND cấp xã cũng là thành viên Ban đại diện này. Ban đại diện cấp huyện phải họp giao ban hàng quý, chủ tịch UBND xã giao ban với các đoàn thể, ngân hàng cùng tổ tiết kiệm và vay vốn vào ngày giao dịch tại xã hằng tháng để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn. Cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể phối hợp với ngân hàng triển khai kế hoạch phân bổ vốn, bình xét, phê duyệt hộ vay, kiểm tra giám sát… tạo nên một quy trình khép kín nhưng rất thuận tiện ngay tại cơ sở và giảm chi phí cho hộ vay.
Kết quả sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cho thấy, nếu như năm 2015 bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40, tổng dư nợ vốn vay chính sách trên địa bàn huyện Thuận Bắc chỉ hơn 130 tỷ đồng thì đến quý I/2019 đã là 256 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi, trong đó ngân sách của huyện cũng ủy thác qua ngân hàng 650 triệu đồng để cho các hộ chính sách vay. Đặc biệt là toàn huyện không còn nợ quá hạn. Chủ tịch Lê Kim Hoàng nhấn mạnh, số lượng và chất lượng tín dụng chính sách nâng lên có nghĩa là người dân được tiếp cận vốn đầy đủ hơn, sử dụng vốn phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả và nhất là ý thức trả nợ để quay vòng vốn chứ không phải là một chính sách cho không. Nhờ đó mà 3 năm qua huyện Bắc Sơn đã giảm được 10% hộ nghèo, thu nhập bình quân từ 11 triệu lên 23,8 triệu đồng/người/năm. Huyện có 5/6 xã thuộc vùng khó khăn nhưng đến nay có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã còn lại đều đạt trên 7 tiêu chí về nông thôn mới.
Clip Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc nói về việc thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư:
Huyện Thuận Bắc nằm ở phía đông bắc tỉnh Ninh Thuận, diện tích tự nhiên là 31.922 ha, chiếm 9,53% diện tích toàn tỉnh. Huyện có 6 xã, 32 thôn, trong đó 5/6 xã thuộc vùng khó khăn. Dân số toàn huyện là 10.896 hộ/46.441 người, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 6.867 hộ, chiếm tỷ lệ 63%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai và dân tộc Chăm. Tổng số hộ nghèo là 2.911 hộ, chiếm tỷ lệ 26,7%; hộ cận nghèo là 1.765 hộ, chiếm tỷ lệ 16,2%.
Đón đọc bài 2: Để những vườn nho trĩu quả