Chiến lược Đo đạc bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia: Bài cuối - Tầm nhìn dài hạn

Để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc bản đồ trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, ngày 25/12/2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Dự án “Xây dựng Chiến lược phát triển Đo đạc bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.

Chú thích ảnh
Việt Nam hướng đến vì một môi trường xanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Đáp ứng yêu cầu đa mục tiêu

Dự án góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ các yêu cầu của quản lý nhà nước về lãnh thổ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm an ninh, quốc phòng; nghiên cứu khoa học về Trái Đất; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đáp ứng thông tin cho nhu cầu sử dụng của cộng đồng trong hoạt động kinh tế, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, dân sinh và xã hội.

Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam Hoàng Ngọc Lâm cho biết, cuối tháng 7/2020, Cục đã cơ bản hoàn thành Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chiến lược phát triển Đo đạc bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, dự kiến đến tháng 10/2020 sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, Nghị quyết được xây dựng với các quan điểm chính: phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Nghị quyết cũng xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Cùng với đó, Nghị quyết tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.

Một trong những cơ sở vật chất quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển Đo đạc bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 là Dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam”.  Tiến sỹ Phan Ngọc Mai, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, cho biết, dự án hướng đến mục tiêu ứng dụng các dịch vụ, tiện ích mà công nghệ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu đem lại trong ngành tài nguyên môi trường nói chung và đo đạc bản đồ nói riêng. Ngoài ra, dự án còn đáp ứng các yêu cầu về định vị độ chính xác cao của các ngành khác như giao thông, xây dựng, nông nghiệp... 

Mục tiêu của Dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam” là hình thành mạng lưới các trạm quan trắc thu liên tục số liệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng các vệ tinh trên thế giới; làm cơ sở thống nhất về cơ sở toán học cho số liệu địa lý khu vực và toàn cầu; phục vụ cho việc nghiên cứu, phát hiện kiến tạo hiện đại của vỏ trái đất, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ công tác dự báo thời tiết; đưa các hệ thống thu tín hiệu vệ tinh rời rạc trên cả nước về cùng một hệ thống thống nhất nhằm tối ưu hoá thiết bị, giảm thiểu đầu tư, mở rộng khả năng khai thác; cung cấp tín hiệu cải chính với độ chính xác cao phục vụ cho tất cả các lĩnh vực ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực đo đạc bản đồ và các ứng dụng khai thác thông tin toạ độ dựa trên nền tảng công nghệ interrnet. Hiện nay đã có hơn 280 tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ này. Số lượng thiết bị thường xuyên kết nối sử dụng là khoảng 220 thiết bị và chắc chắn sẽ tăng lên khi hệ thống tại khu vực Trung Bộ và Nam Bộ đi vào hoạt động.

Theo quy hoạch, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam sẽ có khoảng 160 trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh. Trên thực tế, một vài địa phương đã tự xây dựng hệ thống trạm của riêng mình nhưng không kết nối với trạm định vị vệ tinh quốc gia, sẽ dẫn đến việc khó chia sẻ dữ liệu dùng chung, độ chính xác không đồng đều, gây những khó khăn nhất định cho người sử dụng. Dự án này mới chỉ xây dựng 65 trạm, các khu vực còn lại cần có sự góp sức của các địa phương để chia sẻ dữ liệu dùng chung.

Để thực hiện vận hành, Trung tâm xử lý số liệu được xây dựng tại trụ sở Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam. Toàn bộ số liệu từ các vệ tinh định vị toàn cầu thu được cùng với các số liệu khí tượng sẽ được truyền về Trung tâm xử lý một cách liên tục. Trung tâm xử lý sẽ tính toán và cung cấp số liệu cải chính phục vụ đo tín hiệu vệ tinh định vị theo thời gian thực với độ chính xác cỡ một vài cm trên hạ tầng internet để cung cấp tới các máy thu.

Hướng tới ngang tầm khu vực

Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chiến lược phát triển Đo đạc bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, dự kiến đến tháng 10/2020 đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành đo đạc và bản đồ xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam; đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, ngành cũng xây dựng, hoàn thiện công trình hạ tầng đo đạc; xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết cũng đặt ra các mục tiêu thúc đẩy việc khai thác, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ; đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam; đào tạo hướng dẫn tổ chức cá nhân, để nâng cao năng lực trong việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng trong hoạt động đo đạc và bản đồ, thiết lập hợp tác liên ngành, quan hệ đối tác cộng đồng nhằm thúc đẩy việc quản lý, trao đổi, tạo dựng, duy trì giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm cho biết, Nghị quyết đặt mục tiêu xa hơn với tầm nhìn đến năm 2040 là: Phát triển ứng dụng công nghệ thu nhận, xây dựng, cập nhật, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ, ngang tầm với các nước trong khu vực, các nước phát triển trên thế giới, để phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xuất khẩu công nghệ đo đạc và bản đồ sang các nước trong khu vực.

Theo Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm, để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung; Hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia gồm: mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia và mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia; Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đầy đủ, chính xác, kịp thời, làm nền tảng cho hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Đo đạc, thành lập bản đồ chuyên ngành; Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Thúc đẩy việc khai thác, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; Tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ về đo đạc và bản đồ; Đổi mới cơ chế triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ; đổi mới, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

Hoàng Nam (TTXVN)
Chiến lược Đo đạc bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia: Bài 2 - Thực trạng tại Việt Nam
Chiến lược Đo đạc bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia: Bài 2 - Thực trạng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ dữ liệu không gian địa lý mang lại. Dữ liệu nền địa lý cơ bản của Việt Nam thời gian qua đã được xây dựng tương đối đầy đủ theo chuẩn thông tin địa lý quốc gia, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế làm nền cơ sở cho việc phát triển các ứng dụng của các ngành và địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN