Chật vật với xe Tết

Trước và sau Tết, hành khách đi tàu xe luôn trong tình trạng căng thẳng và mỏi mệt vì phải đối mặt với cảnh giá vé tăng khó lường và sự nhồi nhét hết cỡ của nhà xe. Một số nhóm tình nguyện và tổ chức đã đứng ra thuê xe để bán vé cho sinh viên với giá ưu đãi là những mô hình nên mở rộng vừa để giảm áp lực cho nhà xe, vừa có lợi cho người đi đường.

Tăng giá vé vô tội vạ...

Theo phản ánh của khách hàng đi các tuyến từ Nam Định, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Thái Bình... lên Hà Nội sáng 30/1, giá vé xe đã tăng so với ngày thường trung bình khoảng 40 ngàn đồng, thậm chí 250 ngàn đồng/lượt khách đi tuyến Nghệ An - Hà Nội. Sáng 30/1, Tùng (sinh viên năm nhất Đại học Điện lực) cùng mẹ ở Hải An (Hải Phòng) bắt xe khách tư nhân từ bến xe Cầu Rào (thành phố Hải Phòng) lên bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) từ 6 giờ sáng. Vé ngày thường chỉ 60.000 - 65.000 đồng/người nhưng hôm nay tiền vé của hai mẹ con Tùng hết 250 ngàn đồng. Đã vậy, “lên xe, chủ xe hứa đi hứa lại là hai mẹ con cứ yên tâm, sẽ dừng ở điểm gần chỗ trọ của em nó. Ai dè khi đến nơi, họ đỗ xe ở tít Hà Đông” - bà Lan, mẹ của Tùng kể khổ. Hai mẹ con phải lếch thếch đi bộ hơn 10 cây số từ chỗ xe trả khách đến nơi trọ của Tùng. Trời rét căm căm, đi độ nửa quãng đường, bà Lan thở dốc, mặt phờ phạc.

Hành khách mệt mỏi sau cuộc hành trình với xe Tết.


Việc giá vé tăng là chuyện xảy ra đối với rất nhiều tuyến xe khách liên tỉnh khác. Cách cổng bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) mấy chục mét, Thủy và Hằng quê ở Thái Thụy (Thái Bình) tay xách nách mang, khệ nệ khuân hành lý ra bến xe buýt để về nhà trọ. Theo lời kể của hai bạn, tiền vé xe lên Hà Nội sau Tết của mỗi người là 100.000 đồng, tăng hơn ngày thường 30.000 đồng/vé. “Xe đã đầy khách nhưng đi đường, có khách là họ vẫn dừng lại đón thêm. Ghế nhựa rải từ cuối xe lên tận cửa xe. Xe chật chội, ngày Tết ai cũng nhiều đồ đạc hành lý, thở không nổi”. Còn cô sinh viên tên Hoa (quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) vừa xuống xe ở bến Mỹ Đình thì chia sẻ: “Xe về quê em ngày thường chỉ 70.000 đồng/vé, nay nhà xe đòi tới 130.000 đồng/vé cũng phải đi thôi chị ạ”.

Bên cạnh những hãng xe tư nhân viện cớ phí đỗ xe trong bến tăng cao trong mấy ngày Tết để nâng giá vé, vẫn có nhiều hãng xe chất lượng cao không tăng giá vé trong dịp Tết và không nhồi nhét khách. Tuy nhiên, hầu hết các nhà xe kiểu này lại chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Còn đa phần, người dân hoặc sinh viên ở những vùng nông thôn, xa tỉnh lỵ đều phải ngậm đắng mà đi xe nhồi, giá cao.

Chị Phong Lan (quê ở thành phố Ninh Bình) cho biết: Hôm mùng 4 Tết, chị bắt xe giường nằm lên Hà Nội cũng phải chịu cảnh tăng giá. Bình thường, xe giường nằm từ Nghệ An - Hà Nội chỉ 100.000 đồng/người cho quãng đường Ninh Bình - Hà Nội nhưng hôm Tết, 200.000 đồng/vé chị cũng không dám kêu ca. Cá biệt, xe từ Nghệ An (tuyến Quỳ Hợp - Hà Nội), việc tăng giá vé sau Tết còn nghiêm trọng hơn trước Tết. Nếu trước Tết, hành khách phải chịu chém đẹp với giá 250.000 – 300.000 đồng/người thì sau Tết, giá đã được nâng lên 400.000 đồng/người, trong khi ngày thường chỉ là 150.000 đồng. Hầu hết các nhân viên và chủ xe khi bị thắc mắc đều phân trần: “Do phí đỗ ở bến xe tăng cao trong dịp Tết”, nhưng dường như lý giải này không được khách hàng chia sẻ.

... và điệp khúc “nhồi nhét”

Không chỉ tình trạng tăng gấp đôi giá vé so với ngày thường mà các nhà xe còn nhồi nhét 4 - 5 người một ghế, chèn khách đến từng khoảng trống ở lối đi, bắt khách ngồi ghế nhựa hoặc ngồi bệt xuống lối đi của xe giường nằm.

Trước cổng bến xe Mỹ Đình, Đoàn Trực Chính (quê Nam Định) thở phào sau khi xuống xe. Trong lúc đứng trông hành lý chờ anh họ tới đón, Chính kể lại hành trình vất vả trở lại Thủ đô: “Nhiều xe xuất bến sớm, không còn cả chỗ ngồi ghế nhựa, nhiều người phải đứng bám nhau và bám vào thành ghế suốt mấy tiếng đồng hồ lên đến Hà Nội. Em quyết định chờ xe xuất bến muộn hơn. Đứng đợi tuy lâu, nhưng cũng có chỗ ngồi, mặc dù chỉ là ghế nhựa. Thế còn hơn đứng suốt chặng đường”, Chính nói.

Cách đó vài cây số, bên đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) chờ bắt xe về quê chồng ở Thái Nguyên, chị Thư, quê Nga Sơn (Thanh Hóa) bế đứa con gái chưa đầy hai tuổi đi đi lại lại bồn chồn. “Hôm mùng 6 bắt xe từ quê ngoại lên Hà Nội để về Thái Nguyên cũng vất vả lắm. Xe khách thì người chen chúc. Mang theo con nhỏ nên hai vợ chồng tôi phải chịu tốn 1,5 triệu đồng thuê taxi. Nhưng thuê taxi cũng khổ sở. Chồng tôi gọi điện đặt xe từ 9 giờ sáng mà mãi tới 5 giờ chiều mới có. Đến Hà Nội thì đã 10 giờ đêm”, chị Thư kể.

Đi từ các tỉnh về thành phố đã chật vật, khách bắt xe từ Hà Nội về tỉnh cũng vạ vật không kém. Xác định tư tưởng sẽ phải chờ lâu và có thể bị “nhồi nhét” nhưng chị Thư không vào bến kiếm chỗ ngay từ đầu vì sợ vào tận bến xe đông người, lắm trộm cắp, một mình nhiều hành lý và một nách mang theo con nhỏ, không xoay xở được. Bình thường chị Thư chỉ chờ xe mất chừng 15 phút, nhưng sáng mùng 8 Tết, chị phải chờ cả tiếng vẫn chưa có xe. Trời bắt đầu đổ mưa, mỗi lúc một lạnh hơn. Chị hết nhìn điện thoại rồi ngóng về phía hàng loạt xe khách đang nườm nượp dồn từ bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) chạy tới. Ý định là thế, nhưng cuối cùng chờ mãi nóng ruột, chị Thư đã phải bắt taxi vào tận bến xe và cho biết mặc dù mua vé ngay từ đầu, xe vẫn đông chen chúc. “Được ba ngày Tết mà trầy trật xe cộ thế này. Sợ Tết thật đấy”, chị Thư thở dài.

Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN