Chật vật bữa cơm công nhân

Trong nhiều cuộc đình công, nghỉ việc tập thể của nửa đầu năm 2011, ngoài chuyện tiền lương thì vấn đề cải thiện bữa ăn đã được các công nhân đặt ra với chủ sử dụng lao động. Có một thực tế buồn diễn ra phổ biến tại nhiều doanh nghiệp, đó là trong khi giá cả thực phẩm tăng gấp rưỡi, gấp đôi thì bữa ăn trưa công nhân vẫn duy trì ở mức 8.000 - 10.000 đồng …

Bữa ăn Giảm cả chất lẫn lượng

Dạo quanh các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) Hà Nội đều nhận được lời than của những lao động nơi đây khi phải đối mặt với những bữa ăn trưa xuống cấp, giảm về cả chất lẫn lượng. Minh Tú - công nhân của một doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ chơi tại KCN Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, từ năm 2009 đến 2010, bữa ăn trưa chỉ được 8.000 đồng. Đầu năm 2011, hàng trăm công nhân tổ chức đình công thì suất ăn mới nâng lên 11.000 đồng. Tuy nhiên, không hiểu sao chỉ một thời gian ngắn, mức ăn lại xuống chỉ 10.000 đồng. Cho đến mãi đầu tháng7, có lẽ do dư âm của vụ đình công tại Công ty Giai Đức mà Công ty này mới tự giác nâng lên 13.000 đồng.

“Thêm được 3.000 đồng, bữa ăn có thêm một, hai miếng thịt mỏng chứ không cải thiện là mấy. Bữa ăn vẫn đảm bảo đủ thịt (hoặc tôm, cá), rau, canh nhưng thịt vừa mỏng vừa mỡ, canh lõng bõng nước cùng với hơn 1 bát cơm đục nấu gạo dở. Quanh năm chỉ thế, không thay đổi...”, Tú tâm sự.
Để có thể nuốt trôi được bữa ăn ca, nhiều chị em trong công ty thường làm thêm muối vừng, ruốc khô mang đi để ăn thêm. "Biết rõ bữa ăn không đạt yêu cầu, không đảm bảo dinh dưỡng nhưng đa phần công nhân ở đây không có cách nào khác để tự lo liệu bữa ăn trưa cho mình vì thời gian nghỉ eo hẹp, hàng quán ở ngoài không sẵn" - chị Nga, công nhân cùng xưởng với anh Tú chia sẻ.

Bữa cơm công nhân thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp với người lao động.

Không chỉ có anh Tú, chị Nga ở KCN Phú Nghĩa ngán ngẩm nói về chất lượng bữa ăn ca của mình mà đây còn là tâm trạng chung của rất nhiều công nhân tại các KCN khác đóng trên địa bàn Hà Nội mà nhóm phóng viên có dịp tiếp xúc khi đề cập đến bữa ăn trưa của họ. Nói về bữa ăn trưa tại nơi làm việc của mình, Nguyễn Thị Lành- công nhân một công ty lắp ráp ở KCN Mê Linh cho hay, con gái chúng em còn đỡ chứ để có sức làm việc, sau suất cơm công ty, nhiều anh ở xưởng chúng em vẫn phải chạy ra ngoài tìm cái gì đó ăn thêm cho... chắc bụng. Do đó, tháng nào chậm lĩnh lương là công nhân cứ nháo nhác cả lên vì chủ quán đòi tiền ăn chịu... Chưa kể, do ăn thiếu chất nên chỉ 2-3 giờ sau công nhân đã thấy bụng đói cồn cào, không tập trung làm việc được.

Một số nhà cung cấp suất ăn công nghiệp cũng phải thừa nhận, suất ăn của công nhân ngày càng giảm chất lượng. So với 5 năm trước, giá thực phẩm tăng 2 – 3 lần, trong khi đó, suất ăn của công nhân chỉ tăng 1.000 - 2.000 đồng. Chính vì vậy, hiện nay, chất lượng bữa ăn của công nhân hoàn toàn phụ thuộc vào “lòng hảo tâm” của chủ doanh nghiệp. Tại KCX Tân Thuận- TP.HCM, trong lần kiểm tra một DN đầu tư của Đài Loan, thấy bữa ăn của công nhân quá tệ, ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX - KCN TP.HCM, chất vấn lãnh đạo công ty: “Suất ăn như vậy làm sao công nhân ăn nổi? Làm sao bảo đảm sức khỏe?”. Câu trả lời mà ông Định nhận được là: “Thì họ vẫn ăn hết đó thôi!”.

Công nhân làm việc chân tay nặng nhọc, chưa kể tăng ca, tăng kíp kéo dài rất cần chế độ ăn uống hợp lý và đảm bảo dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động và thể hiện sự quan tâm, chăm lo quyền lợi tối thiểu cho người lao động. Thế nhưng, bữa ăn chính trong ngày được công nhân trông chờ nhiều nhất tại công ty lại là những suất ăn công nghiệp khô khan và quá đạm bạc đến yêu cầu tối thiểu với công nhân là no bụng cũng khó đáp ứng được. Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, việc công nhân ăn thiếu chất đạm, chất béo, vitamin và một số khoáng chất quan trọng khác như canxi, sắt, kẽm… thường dẫn đến thiếu năng lượng, suy dinh dưỡng, thiếu máu; hoạt động trí não, thể lực giảm nên năng suất làm việc không cao. Thực phẩm không tươi, không bảo đảm an toàn vệ sinh sẽ dẫn đến ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột. Đối với công nhân nữ, điều này sẽ ảnh hưởng đến thai sản như suy dinh dưỡng bào thai, sinh con nhẹ cân, sinh non, thậm chí thai chết lưu.

Không thể chỉ dựa vào ý thức của chủ sử dụng lao động

Một nghiên cứu về suất ăn công nghiệp và sự hài lòng của công nhân về bữa ăn trưa tại DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương cuối năm 2010 của Chi cục VSATTP Bình Dương mới đây cho thấy: Khẩu phần ăn của công nhân thiếu năng lượng từ gluxit 63,3%, thiếu năng lượng từ đạm 30%, thiếu năng lượng từ chất béo 32,5%, thiếu rau xanh, củ, quả 45%... Bữa cơm công nhân chưa đáp ứng phần rất ít nhu cầu cơ bản. Cụ thể có 47,7% công nhân cho rằng không no và 51% công nhân cho rằng không ngon. Nếu giá tiền một suất ăn thấp hơn 10.000 đồng khó có thể cung cấp đầy đủ hai nhu cầu: Năng lượng và ăn no của công nhân. Khảo sát của Chi cục VSATTP Bình Dương cũng cho thấy, hầu hết DN có tổ chức ăn trưa cho công nhân nằm ở nhóm lao động nhẹ với quy mô hơn 200 suất ăn công nhân. Song chỉ 10% DN có yêu cầu nhà ăn tính toán năng lượng khẩu phần ăn..

Thừa nhận thực trạng về bữa ăn ca của người lao động, ông Ngô Chí Hùng, Phó Ban Quản lý KCN-CX Hà Nội cho biết, có những DN rất văn minh nhưng cũng chỉ chi… 8.000 đồng cho bữa ăn công nhân trong thời buổi tăng giá.“Tôi đến thăm một DN ở Nam Định, bữa ăn trưa cho công nhân ở đây chỉ có 6.000 đồng nên không có gì ngoài cơm. Còn tại Công ty Cheoa, bữa ăn tiến bộ hơn, 12.0000 đồng nhưng công nhân đồng loạt bỏ không ăn, chủ sử dụng phải nâng lên 15.000đồng mới kéo công nhân quay trở lại”, ông Hùng thẳng thắn chia sẻ.

Từ trước đến nay, quy định về bữa ăn trưa được đưa vào thỏa ước lao động tập thể và dựa trên sự thỏa thuận giữa đại diện công nhân và chủ sử dụng lao động. Vì vậy, cơ quan chức năng chỉ có thể kiến nghị DN nâng chất lượng bữa ăn chứ không thể bắt buộc họ được. Tuy nhiên, trong khối DN ngoài quốc doanh, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN và chế xuất Hà Nội, tỷ lệ DN có công đoàn cơ sở và thỏa ước lao động tập thể chỉ đạt gần 1/2; có nơi như các KCN phía tây Hà Nội, con số DN thành lập công đoàn cơ sở và thỏa ước lao động tập thể chỉ có hơn 1/3. Như vậy, số đông công nhân tại các DN còn lại không nhận được sự chăm lo của DN, trong đó cả quyền lợi sát sườn và thiết thực nhất với cuộc sống của họ là bữa ăn trưa.

Từ thực tế này, đại diện Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý KCN và chế xuất… của nhiều địa phương khi được hỏi đều đồng tình với quan điểm cho rằng, cần thiết phải có yêu cầu bắt buộc DN phải tổ chức bữa ăn trưa cho công nhân. Để giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cần có quy định bắt buộc DN phải cung cấp bữa ăn cho công nhân tối thiểu 15.000đồng/người/suất. Về lâu dài nên có quy định cụ thể, mức ăn đó bằng bao nhiêu phần trăm lương tối thiểu để mỗi khi tăng lương, tăng giá DN cứ thế làm chứ không thể thả như hiện nay.

Hiện nay, mặc dù Nhà nước không quy định DN phải hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động (trừ DN 100% vốn Nhà nước được trích không quá 620.000 đồng/tháng, tương đương 23.850 đồng/bữa – người). Trước tình hình giá cả sinh hoạt, nhất là giá lương thực, thực phẩm tăng cao, để góp phần bảo đảm sức khỏe cho người lao động làm việc có năng suất, đóng góp nhiều hơn vào kết quả kinh doanh của DN, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ xem xét ra quy định DN hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động tối thiểu là 15.000 đồng/bữa/người. Riêng DN 100% vốn Nhà nước tiếp tục thực hiện mức hỗ trợ ăn giữa ca tối đa 620.000 đồng/tháng. Từ 1/1/2012, mức hỗ trợ này sẽ là 730.000 đồng/tháng.

Hiếu Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN