Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, ngày 12/7, Đà Nẵng ghi nhận thêm có 17 ca mắc COVID-19. Trong đó, 4 trường hợp là người về từ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4/7, trên chuyến bay VN128, cách ly tại Khách sạn Seven Sea 150 Võ Nguyên Giáp, có kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 5/7 âm tính với SARS-CoV-2. Chuyến bay của 4 người này cũng có bệnh nhân 27910, được phát hiện tại Quảng Nam.
Ngoài ra, 13 trường hợp mắc COVID-19 là các F1 của các bệnh nhân liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ ông V.H.B (đây là bệnh nhân đầu tiên của chuỗi địa chỉ tại Hòa Xuân, Cẩm Lệ). Tính từ ngày 18/6 đến 13 giờ ngày 12/7, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 115 trường hợp mắc COVID-19.
Hiện, thành phố đang điều trị 110 bệnh nhân COVID-19; thực hiện cách ly, giám sát 597 trường hợp F1; 1.136 trường hợp F2 (tất cả F1 đều được cách ly tập trung hoặc tại cơ sở y tế). Ngày 12/7, Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 4.567 lượt người.
Liên quan đến bệnh nhân 27910 được phát hiện tại Quảng Nam, ông Phan Văn Sơn - Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, cơ quan chức năng đã truy vết 116 các trường hợp liên quan, phát hiện 4 người dương tính với SARS-CoV-2. Lãnh đạo thành phố giao Công an thành phố phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam điều tra, xử lý nghiêm trước pháp luật với trường hợp này vì khai báo, thực hiện lộ trình không trung thực để lây nhiễm SARS-CoV-2. Rút kinh nghiệm từ trường hợp này, các chốt kiểm dịch phải cách ly người từ vùng dịch đúng 21 ngày tại khách sạn hoặc địa điểm cách ly tập trung do thành phố quy định, nếu không chấp nhận sẽ buộc phải quay đầu.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị, các đơn vị, địa phương không được chủ quan, lơ là, cần chủ động trong công tác phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm ở những khu vực, đối tượng có nguy cơ cao. Sở Y tế phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch đã ban hành, trong đó tập trung lấy mẫu ở những khu vực có nguy cơ cao.
Liên quan đến công tác xử lý vi phạm phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, tình hình xử lý các vi phạm phòng dịch vẫn còn chậm, đơn cử như việc xử lý vi phạm Công ty nhựa Duy Tân gây lây lan dịch bệnh hiện vẫn chưa có báo cáo của Công an thành phố. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường xử phạt, xử lý những trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là hành vi khai báo gian dối. Đối với những trường hợp khai báo y tế gian dối trong thời gian gần đây, Công an thành phố cần phải làm rõ, xử lý quyết liệt, công khai trên các kênh thông tin, mang tính răn đe nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
* Từ ngày 5-10/7, Công an thành phố Hà Nội đã xử phạt 268 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền phạt 456 triệu đồng. Lũy tích từ 29/4 đến 10/7/2021, toàn thành phố đã xử phạt 6.717 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền 9,757 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ 5-10/7, Công an thành phố cũng xử phạt 18 cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền phạt 204,3 triệu đồng. Đại diện Công an thành phố đề nghị các quận huyện lưu ý tránh để xảy ra tình trạng người dân ở các điểm nóng lợi dụng dịch COVID-19 tập trung khiếu kiện, gây mất trật tự trên địa bàn.
Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, tình hình tội phạm gia tăng, tập trung ở địa bàn công công như: trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản nơi công cộng. Đại diện Sở Công an đề nghị các quận, huyện chỉ đạo lực lượng Công an địa phương làm cốt công tác phòng, ngừa.
Ngày 12/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 14/CĐ-CTUBND về việc quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó giao Công an thành phố chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng triển khai các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa, các bến tàu, bến xe liên tỉnh vào thành phố và tại Cụm cảng Hàng không miền Bắc; kiểm soát toàn bộ người, phương tiện ra, vào thành phố tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc chủ động với toàn bộ người từ các tỉnh, thành phố khác trở về thành phố, đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập.
UBND thành phố cũng giao Giám đốc Công an thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp, cơ sở dịch vụ không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng mức phạt cao nhất, yêu cầu đóng cửa và xem xét việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm nhiều lần.
* Công an thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa kiểm tra, phát hiện 2 nhóm đối tượng tụ tập hát karaoke bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người của tỉnh, trong đó nhiều đối tượng có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy.
Sáng 11/7, Công an thành phố Vĩnh Yên, kiểm tra quán karaoke Focus KTV thuộc tổ hợp khách sạn Westlake ở phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, phát hiện 14 người ở độ tuổi 17-27 đang sử dụng dịch vụ tại quán. Qua kiểm tra và xét nghiệm nhanh, có 13/14 đối tượng có kết quả dương tính với chất ma túy. Công an Vĩnh Yên đã lập biên bản, tạm giữ những người vi phạm để củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 9/7, Tổ công tác của Công an thành phố Phúc Yên cũng đã tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke massage Nice Club, địa chỉ phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên, do Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1985) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở karaoke này đang hoạt động bất chấp lệnh tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. Cùng đó, 7 đối tượng sử dụng dịch vụ tại quán cũng bị lập biên bản để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm minh các cơ sở kinh doanh dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường, dịch vụ spa-massage… cố tình vi phạm.
Hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ như ăn uống trong nhà, các cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục thể thao trong nhà được mở cửa trở lại; tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường, dịch vụ spa-massage; các quán rượu, bia phục vụ uống tại chỗ… vẫn chưa được phép hoạt động.