Việc chăm lo đời sống cho công nhân không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần đảm bảo ổn định chính trị - xã hội trong tình hình mới. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ đại đa số nhu cầu của người lao động, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, tổ chức công đoàn còn nhiều vấn đề cần thực hiện.
Các doanh nghiệp sử dụng lượng lớn lao động đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp.
Lo từ việc ăn uống
Cứ 11 giờ 30 phút hằng ngày (giờ nghỉ trưa), các công nhân Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giày Ching Luh (Khu Công nghiệp Thuận Đạo, tỉnh Long An) lại cùng nhau tới siêu thị Tươi mart nằm ngay khuôn viên công ty để mua vật dụng cần thiết cho gia đình.
Ai nấy đều vội vã mua hàng để kịp giờ vào ca chiều. Theo tìm hiểu của phóng viên, từ cuối năm 2016, Công đoàn Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giày Ching Luh đã phối hợp với doanh nghiệp đưa siêu thị vào khuôn viên công ty phục vụ người lao động với các mặt hàng giá rẻ, đảm bảo chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Phân xưởng Đế giày 2, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giày Ching Luh chia sẻ: Từ ngày có siêu thị đặt ở đây, việc mua sắm rất thuận lợi. Đặc biệt, nhiều mặt hàng có giá thành rẻ hơn so với bên ngoài, đảm bảo chất lượng khiến chị và các công nhân khác rất yên tâm.
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giày Ching Luh cho biết: Trước nhu cầu mua sắm rất lớn của công nhân, công ty đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Tươi Mart đưa mô hình siêu thị giá rẻ đến với người lao động. Các mặt hàng đều có giá rẻ, đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu thiết thực của công nhân. Mô hình này giúp công nhân tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng ở bên ngoài.
Ngoài Long An, tại Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh… mô hình liên kết này cũng được nhiều công đoàn doanh nghiệp ủng hộ và hình thành ngay trong khuôn viên công ty, đem lại lợi ích thiết thực cho công nhân. Đây được xem là mô hình phù hợp với phần lớn công nhân có lịch làm việc bận rộn, không có nhiều thời gian mua sắm các vật dụng cho gia đình.
Theo ông Nguyễn Long Tươi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Tươi Mart, tất cả các mặt hàng tại siêu thị đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có giá thấp hơn thị trường từ 10 - 35%.
Cách làm này nhằm giúp người lao động tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường. Để có được mức giá rẻ hỗ trợ công nhân, doanh nghiệp đã sàng lọc nhiều nguồn hàng để tìm nguồn cung cấp tận gốc, cam kết giữ giá ổn định.
Công ty đang hướng đến việc tìm thêm các nhà phân phối hàng điện máy có chất lượng, bán trả góp cho công nhân, phục vụ đời sống tinh thần thiết thực của đa số công nhân…
Hiện nay, 11 mô hình siêu thị giá rẻ đã được triển khai tại các doanh nghiệp, phục vụ hơn 400.000 lao động tại Long An, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình đang được Liên đoàn Lao động các địa phương đánh giá cao và sẽ có hướng nhân rộng trong thời gian tới.
Tại Long An, Liên đoàn Lao động tỉnh còn tạo điều kiện để công nhân được vay vốn ưu đãi của Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm - CEP (thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh)…, từ đó đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trong công nhân.
Đến đời sống tinh thần
Công việc bận rộn chiếm gần như hết thời gian của công nhân. Họ không có nhiều thời gian và tiền bạc cho các hoạt động khác nên đời sống tinh thần khá nghèo nàn. Do vậy, không chỉ chăm lo về đời sống vật chất, các doanh nghiệp tích cực chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động.
Dưới cái nắng chói chang đầu mùa khô, hơn 4.000 công nhân Công ty Trách nhiệm Hữu hạn May thêu Dintsun (quận Bình Tân) đang cùng nhau chơi các trò chơi vận động, giải trí. Hàng ngày, quen tiếp xúc với máy móc, công xưởng, lần đầu được chơi những trò chơi như thế này nên trên khuôn mặt ai cũng lộ rõ sự vui tươi, phấn khởi.
Ông Phạm Đình Quý, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm Hữu hạn May thêu Dintsun cho biết: Đây là lần đầu tiên công ty tổ chức sân chơi lớn cho hơn 4.000 công nhân của 5 phân xưởng trong 4 ngày liên tiếp.
Sự hứng khởi trên gương mặt của công nhân là động lực để những năm tiếp theo Công ty tiếp tục tổ chức các hoạt động nói trên. Từ đó, góp phần tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa công nhân trong doanh nghiệp.
Một số tổ chức công đoàn doanh nghiệp tại Long An, Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động chủ nhà trọ chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân nơi họ tạm trú. Cụ thể như, tạo điều kiện cho thành lập khu nhà lưu trú văn hóa, thường xuyên kết hợp tổ chức gameshow quy mô nhỏ 100-200 công nhân để họ được sinh hoạt, giải trí lành mạnh…
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh), là địa bàn có số lao động lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 300.000 người, Liên đoàn Lao động quận đã kết nối với 9 đơn vị chăm lo cho người lao động.
Ngoài việc mua hàng giá rẻ tại siêu thị Tươi Mart hay mua gạo đầu tháng - trả tiền cuối tháng tại doanh nghiệp gạo Kim Sáng, người lao động khi đến khám bệnh tại một số bệnh viện được giảm chi phí khám chữa bệnh từ 10 - 35%.
Ngoài ra, Phòng Văn hóa quận cũng làm việc với quản lý các sân bóng để có giá ưu đãi cho công nhân từ 1 0- 20% phí thuê sân, qua đó giúp lao động nam có điều kiện rèn luyện sức khỏe…
Ông Hải cho rằng: “Nếu như trước đây, các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hoạt động sản xuất, ít chú trọng mối quan hệ giữa người quản lý và người lao động, giờ đây các doanh nghiệp đã dần quan tâm xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động bằng những hành động cụ thể, thiết thực”.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang lên kế hoạch tặng vé xe cho công nhân lao động về quê dịp Tết Nguyên đán 2019. Cùng với đó là tổ chức chương trình “Tết sum vầy” kết hợp tặng quà cho gia đình công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết…
Bên cạnh việc chăm lo thiết thực về vật chất, tinh thần, có một mái nhà để “an cư” vẫn là mong ước của đại đa số công nhân lao động. Để mong ước ấy trở thành hiện thực rất cần sự chung tay của cộng đồng.
Bài 2: Nỗ lực an cư cho công nhân