Chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động - Bài cuối: Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ

Công tác chăm lo, xây dựng môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh cho công nhân lao động ở Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả, làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, song trên thực tế công tác này vẫn còn một số bất cập cần được tháo gỡ.

Chú thích ảnh
Công nhân lao động Bình Dương về quê ăn Tết trong các Chuyến xe nghĩa tình 2019. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Còn nhiều bất cập

Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng, hiện nay, người lao động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, chấp hành kỷ luật lao động. Tuy nhiên, nhiều công nhân ở các doanh nghiệp tại Bình Dương có tuổi đời trẻ, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, xa gia đình, trình độ học vấn, tay nghề còn thấp, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa cao. Ngoài ra, nhận thức về chính trị, xã hội của một số công nhân lao động còn hạn chế, điều kiện tiếp cận thông tin, nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn thiếu.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhiều công nhân còn thấp, chưa được thụ hưởng tương xứng với thành quả lao động. Các thiết chế văn hóa, mô hình, khu vui chơi giải trí cho công nhân và con công nhân còn thiếu. Người lao động chưa có điều kiện về thời gian và kinh tế để được tiếp cận, hưởng thụ những hoạt động văn hóa tinh thần. Một bộ phận không nhỏ người lao động chủ yếu tiếp cận thông tin, giải trí thông qua điện thoại thông minh, các trang mạng xã hội, trong khi có nhiều thông tin không chính thống, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng của họ. Thực trạng này đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương nói riêng, đất nước nói chung.

Đối với các thiết chế, công trình văn hóa - thể thao phục vụ người lao động, ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bình Dương nêu thực trạng: Việc đầu tư xây dựng các thiết chế tuy đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh, chưa đủ tác động rộng rãi và hiệu quả trong việc xây dựng con người phát triển toàn diện, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh.

Đến nay, một số huyện, thị, thành phố trong tỉnh vẫn chưa được đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao, phải sử dụng công trình cơ sở vật chất cũ được bàn giao lại để hoạt động nên không đủ điều kiện tổ chức các hoạt động tại chỗ. Biên chế phục vụ tại các thiết chế văn hóa - thể thao cũng chưa ổn định, kinh phí cho hoạt động của các đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Ở cấp xã, phường, thị trấn, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa - thể thao chưa đồng bộ, còn thiếu một số hạng mục chức năng theo quy định, phương tiện trang thiết bị không bảo đảm về mặt kỹ thuật.

Quan tâm về hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa đối với việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoài Phương, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương đánh giá: Trong việc tổ chức hoạt động và tương tác giữa thiết chế với cộng đồng, các thiết chế văn hóa vẫn chưa phát huy hết vai trò trong việc nâng cao đời sống tinh thần người dân. Nhiều cơ sở văn hóa rơi vào tình trạng lãng phí, hiệu suất sử dụng thấp. Hoạt động của các thiết chế văn hóa ở khu công nghiệp chưa tiếp cận đến đông đảo người lao động. Tình trạng người lao động tự đặt mình bên lề các hoạt động văn hóa cộng đồng, không quan tâm, không có sự chia sẻ để làm phong phú thêm đời sống tinh thần vẫn còn phổ biến.

Cần nhiều giải pháp

Đề cập về việc cần có các giải pháp đồng bộ, cụ thể hơn để tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phượng, Học viện Chính trị khu vực II và Thạc sỹ Bùi Văn Tuyển, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam nêu quan điểm: Thực tế nhu cầu việc làm, thu nhập, tiền lương đều rất cần thiết đối với người lao động nhưng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thân thể, giao lưu, kết bạn, học tập nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề lại là nhu cầu bức xức không kém.

Khi quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa buộc người công nhân phải chấp nhận lối sống công nghiệp vừa gấp gáp vừa căng thẳng, văn hóa tinh thần sẽ là “cái van” điều chỉnh để giải tỏa và cân bằng sự căng thẳng đó, giúp giảm nhẹ những biến dạng về đạo đức, tinh thần do điều kiện khách quan chi phối. Do đó, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững. Chỉ có như vậy mới có thể phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Dương, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Thạc sỹ Lê Tuấn Anh, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương nhận định, theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Bình Dương sẽ phát triển thêm 11 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp trên địa bàn lên 39, với tổng diện tích hơn 15.570 ha. Do đó, để bảo đảm sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp, cơ quan chức năng, nhà đầu tư cần quan tâm hơn đến đời sống của công nhân, bảo vệ quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, tổ dân phố của các khu dân cư cần quan tâm hơn nữa tới đời sống của công nhân, đặc biệt là lao động nữ trong khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, luật hôn nhân và gia đình, xây dựng lối sống lành mạnh, xây dựng các khu trọ văn hóa, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ tệ nạn xã hội; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.  

Thạc sỹ Lê Tuấn Anh cũng cho rằng, các đoàn thể, cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa và tác phong lao động công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động; đặc biệt là xây dựng hình ảnh người công nhân lao động mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đa dạng các hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đề xuất, trên cơ sở Quyết định 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", Bình Dương cần có những cơ chế cụ thể gắn quy hoạch các khu cụm công nghiệp, các khu liên hiệp dịch vụ với quy hoạch quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động.

Đối với các khu công nghiệp đã hình thành trước đây không có quỹ đất quy hoạch trong khu công nghiệp, có thể tìm nguồn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để dành riêng cho thiết chế văn hóa công nhân. Các thiết chế này giao cho tổ chức công đoàn làm chủ đầu tư và quản lý gắn với hoạt động của công đoàn, phong trào công nhân sẽ thiết thực và hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: Sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, thư viện, phòng đọc sách, sân khấu ngay tại doanh nghiệp nhằm thu hút người lao động tham gia. Đây là giải pháp, hình thức phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay, như vậy người lao động sẽ được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần ngay tại doanh nghiệp sau thời gian làm việc hoặc vào các ngày nghỉ.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động
Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động

Ngày 5/5, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ phát động Tháng công nhân 2019 và khởi động về an toàn vệ sinh lao động, khai mạc Giải bóng đá công nhân năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN