Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm và lở mồm long móng chiều 10/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết: Hai tuần qua, mặc dù không có thêm tỉnh nào xuất hiện dịch tai xanh nhưng tại các địa phương có dịch cũ đã tiếp tục phát sinh ổ dịch mới và dịch tiếp tục lây lan nhanh, do nhiều địa phương chậm công bố chính sách hỗ trợ.
Tỉnh Đồng Nai quá chậm trễ trong công bố chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại. |
Điển hình như Lạng Sơn, bị dịch từ tháng 4 nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống và hiện đã có 6 huyện mắc dịch. “Yếu kém của tỉnh này không chỉ là việc gần như không quản lý được việc vận chuyển và không kiểm soát được việc giết mổ mà còn do quá chậm công bố được giá hỗ trợ cho dân. Dịch phát sinh từ tháng 4/2012 mà tới tháng 6, địa phương vẫn chưa công bố được giá hỗ trợ”, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh. Nếu xử lý không khéo, dịch từ Lạng Sơn có thể lây ngược trở lại các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Vì thế, trong tuần này, Cục Thú y được yêu cầu phải cử cán bộ quay trở lại giám sát việc phòng dịch ở Lạng Sơn.
Bên cạnh Lạng Sơn, dịch tai xanh ở Đồng Nai và Bình Dương cũng đang nghiêm trọng. Trong hai tuần qua, Đồng Nai có thêm 10 xã bị dịch, Bình Dương có thêm 5 xã. Ở Đồng Nai, theo đánh giá của đoàn kiểm tra, địa phương chỉ đạo chống dịch rất quyết liệt nhưng vẫn không hiệu quả, bởi tỉnh này mất một thời gian dài bàn cãi, loay hoay không quyết định được chính sách hỗ trợ. Điều này khiến người dân bán tháo lợn bệnh, làm dịch lây lan từ 1 huyện sang 4 huyện khác.
Hiện cả nước còn 5 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Điện Biên có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Theo lãnh đạo Cục Thú y, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương không chỉ sản xuất thịt thương phẩm lớn mà còn là nơi cung cấp con giống cho nhiều tỉnh. Với tình hình dịch lây lan như hiện nay, cần tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn giống để bảo đảm có nguồn con giống an toàn, giúp việc tái đàn nhằm cân đối nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm.
Mạnh Minh