Cấp thiết ngăn chặn gây nuôi thương mại rùa đầu to

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để chấm dứt tình trạng cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng vì mục đích thương mại đối với rùa đầu to tại các địa phương cũng như xử lý các cơ quan, đối tượng có dấu hiệu tắc trách theo đúng quy định của pháp luật.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, cần cấp thiết hành động để không nuôi thương mại rùa đầu to bởi đây là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được liệt kê tại Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) - loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng tại Việt Nam.

Theo đó, các hành động cấp thiết gồm thu hồi giấy phép đã được cấp cho các cơ sở gây nuôi rùa đầu to vì mục đích thương mại trái với quy định pháp luật và xử phạt chủ cơ sở nếu phát hiện vi phạm; tăng cường công tác quản lý các cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã. Các chi cục Kiểm lâm không tự ý cấp phép mới cho các cơ sở nuôi rùa đầu to và những loài có nguy cơ tuyệt chủng khác được liệt kê trong Phụ lục I của CITES.

Nâng cao kỹ năng định dạng loài và kỹ năng cơ bản phát hiện các dấu hiệu vi phạm của các cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã trên địa bàn để từ đó cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng giấy phép để buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã ghi nhận được một số vụ vận chuyển, buôn bán rùa đầu to có nguồn gốc từ các trang trại được đăng ký trong năm 2018. Có tới 11 loài rùa bị buôn bán trái phép, trong đó 9 loài đã được sách Đỏ thế giới đánh giá ở các cấp độ sắp nguy cấp, nguy cấp và cực kỳ nguy cấp. Điều đáng nói, trong những trường hợp này, các trang trại đều xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của rùa đầu to cho thấy các cá thể này có nguồn gốc nuôi sinh sản.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, các cá thể rùa đầu to được cho là có nguồn gốc từ các cơ sở gây nuôi thực chất đều có nguồn gốc bất hợp pháp từ tự nhiên. Nhiều nhà khoa học đã nhận định loài rùa này rất khó tồn tại trong môi trường nuôi nhốt. Vì vậy, khó có thể tin được các cơ sở tại Việt Nam có thể gây nuôi sinh sản, sinh trưởng thành công loài này.

Hiện nay, cơ quan chức năng tại một số địa phương đã cấp phép gây nuôi rùa đầu to cho một số cơ sở trong khi những cơ sở này có dấu hiệu mua bán các cá thể rùa đầu to bất hợp pháp chứ không hề có hoạt động gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng.

Vừa qua, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Nghị định thay thế cho một số văn bản pháp ý về quản lý động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trong đó có Nghị định 82/2006/NĐ-CP. Điều 15 của Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân được phép gây nuôi vì mục đích thương mại đối với một loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khi và chỉ khi loài này đã được cơ quan khoa học CITES Việt Nam công bố có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát; và được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản việc nuôi sinh sản, sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài có liên quan trong tự nhiên.

Hiện nay, các cơ quan khoa học CITES tại Việt Nam chưa có công bố rùa đầu to có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát hoặc xác nhận rằng việc nuôi thương mại loài này sẽ không có tác động bất lợi đến quần thể loài trong tự nhiên.  

Điều 17 Nghị định 06/2019/NĐ-CP cũng quy định Cơ quan quản lý CITES Việt Nam mới có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở nuôi sinh sản hoặc nuôi sinh trưởng loài thuộc Phụ lục I CITES (như rùa đầu to). Điều này có nghĩa là, các Chi cục Kiểm lâm địa phương đã cấp phép gây nuôi sinh sản rùa đầu to và các loài khác được liệt kê trong Phụ lục I CITES là trái với các quy định của pháp luật nên các cơ quan chức năng tại các địa phương cần lập tức thu hồi giấy phép và chấm dứt tình trạng cấp phép cho các cơ sở gây nuôi rùa đầu to.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Giảm các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã ở Hà Nội
Giảm các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã ở Hà Nội

Kết quả khảo sát 1.644 cơ sở kinh doanh cho thấy, tỷ lệ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã ở Hà Nội từ năm 2017-2018 là 11%, giảm 10% so với giai đoạn từ năm 2013-2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN