Giãn nợ, nới cơ chế
Chia sẻ với báo Tin tức, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, Nghị định số 67 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 không có quy định về chính sách khoanh nợ. Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp ý kiến và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 67, trong đó có chính sách giãn nợ cho chủ tàu để đảm bảo sản xuất và trả nợ vốn vay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, với việc xây dựng chính sách mới cần tránh để xảy ra tình trạng lại phải có thêm nghị định khác sửa chữa hay thay thế nghị định mới này. Theo đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng nghị định mới phải được kế thừa, tổng kết từ thực tiễn một cách chặt chẽ, chắc chắn để khi đi vào cuộc sống, các chính sách phải đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả. Nghị định mới cần được cân nhắc trong khâu xây dựng thiết chế, tránh tình trạng chính sách có kẽ hở và bị lợi dụng.
Đóng góp cho dự thảo sửa đổi của Nghị định 67, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) đưa ra ý kiến: Việc chuyển đổi giữa chủ tàu cũ và mới có sự khó khăn. Chúng ta nên cho phép chủ tàu mới được quyền nhận một phần vốn vay tương ứng với giá trị hiện có của tàu cá khi mua bán với chủ tàu cũ (do giá trị thực tế con tàu đã thấp hơn nhiều so với khoản vay của chủ tàu cũ), cùng với đó là đảm bảo chủ tàu mới vẫn được vay vốn để có thể tiếp tục khai thác con tàu. Cùng với đó là các hỗ trợ tiếp tục về duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp để đáp ứng các điều kiện về mặt khoa học công nghệ của tàu cá trong khai thác xa khơi.
Với khoản chủ tàu cũ khi vay nợ ngân hàng, bán hết tài sản nhưng không có trả nợ ngân hàng thì ngân sách Nhà nước nên xem xét để hỗ trợ, hoặc cho phép các ngân hàng thương mại được quyền sử dụng các quỹ dự phòng để xử lý khoản vay này.
Đồng tình với ý kiến chuyên gia, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Trung Kiên - Giám đốc chi nhánh BIDV Bỉm Sơn cho biết: Chúng tôi muốn đề nghị bổ sung quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 17 (bổ sung Điểm c Khoản 2 Điều 4 Nghị định 67) nhằm quy định rõ và cho phép chủ tàu mới nhận bàn giao một phần khoản nợ vay từ chủ tàu cũ tương ứng với giá trị chuyển nhượng tàu. Đồng thời, phần dư nợ còn lại của chủ tàu cũ (phần chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ của chủ tàu cũ và giá trị khoản nợ của chủ tàu mới) trong trường hợp không thể thu hồi được từ chủ tàu cũ được ngân sách Nhà nước xem xét hỗ trợ.
Trước khó khăn trong việc tìm nguồn vốn tái thiết sản xuất, ngân hàng cũng muốn đề nghị hướng dẫn cơ chế cho phép ngân hàng nhận tài sản bảo đảm khác (ngoài tài sản hình thành từ vốn vay) đối với trường hợp giá trị định giá của con tàu thấp hơn giá trị khoản vay của chủ tàu mới.
Mặt khác, tại thời điểm chuyển giao, ngân hàng và chủ tàu mới được phép thỏa thuận lại thời hạn vay vốn, kỳ hạn trả nợ mới của khoản vay (khác với thời hạn vay vốn, kỳ hạn trả nợ của khoản nợ của chủ tàu cũ, bao gồm cả phần dư nợ gốc/lãi quá hạn của chủ tàu cũ), phù hợp với khả năng trả nợ của chủ tàu mới, không phụ thuộc vào điều kiện điều khoản của khoản vay cũ, không bị coi là cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thời gian vay vốn được hưởng hỗ trợ lãi suất của chủ tàu mới tối đa không vượt quá thời gian hỗ trợ lãi suất còn lại của chủ tàu cũ.
“Hiện quy định chuyển giao nguyên trạng dư nợ và con tàu sang cho chủ tàu mới đã gây khó khăn trong việc triển khai. Nguyên nhân dư nợ của khoản vay vẫn còn cao và hầu hết đã bị quá hạn, trong khi đó tài sản bảo đảm là con tàu vay đã qua thời gian sử dụng bị xuống cấp, hao mòn, giá trị đã suy giảm nhiều. Ngoài ra, mong muốn của ngư dân khi nhận chuyển nhượng lại khoản vay và con tàu là tiếp tục được hưởng các cơ chế ưu đãi của Nhà nước (đặc biệt là cơ chế hỗ trợ lãi suất). Tuy nhiên quy định chưa hướng dẫn với trường hợp khoản vay chủ tàu cũ đã bị quá hạn (hoặc đã bị xử lý rủi ro) thì chủ tàu mới vẫn được hỗ trợ lãi suất, không phụ thuộc vào trạng thái khoản vay của chủ tàu cũ. Do đó, những chủ tàu có năng lực vận hành tàu và tài chính tốt không mặn mà với việc nhận chuyển đổi chủ tàu", ông Hà Huy Hùng, Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Phủ Diễn, tỉnh Nghệ An cho biết.
Ngoài ra, đại diện các ngân hàng cũng cho rằng trường hợp khách hàng vay theo Nghị định 67 bị suy giảm khả năng trả nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng không thuộc nhóm nguyên nhân khách quan bất khả kháng theo Nghị định 67. Do đó khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các khách hàng cũng không được hưởng hỗ trợ lãi suất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho người dân và các ngân hàng cho vay, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất cơ chế chuyển nhượng tàu cá nhằm tháo gỡ các khoản vay nợ xấu. Các ngân hàng, chủ tàu cũ thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá tàu. Chi phí thuê tổ chức thẩm định giá tài sản được tính vào chi phí xử lý tài sản bảo đảm
Cùng với đó, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu đề xuất quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.
Đưa ra ý kiến liên quan đến vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết: Việc các ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với số lần không hạn chế nhưng tổng thời gian các lần gia hạn nợ không vượt quá 1/3 thời gian cho vay ban đầu khi ký hợp đồng tín dụng. Theo tôi đây là vấn đề phù hợp với tình hình hiện nay trong điều kiện giá nhiên liệu đang còn cao, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, tuy nhiên dự thảo cần nghiên cứu kỹ các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng phù hợp với thực tiễn để triển khai được thuận lợi, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Tiếp tục hỗ trợ chính sách bảo hiểm
Theo điều 5 và điều 7 Nghị định 67: Hai loại phí mua bảo hiểm và duy tu bảo dưỡng đã hết thời hạn hiệu lực hỗ trợ từ ngày 31/12/2020. Trong khi đó, theo tìm hiểu của nhóm phóng viên báo Tin tức, các chi phí này là tương đối lớn nên nhiều khách hàng đã không mặn mà mua bảo hiểm rủi ro cho con tàu cũng như không có tiền để thực hiện duy tu bảo dưỡng. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc hạn chế rủi ro của ngân hàng cũng như làm sụt giảm mạnh giá trị tài sản bảo đảm khi định kỳ tàu không được duy tu bảo dưỡng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo Nghị định 67, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm. Trong đó, có yêu cầu đối với doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo về năng lực tài chính, quản trị mạng lưới và kinh nghiệm triển khai khi tham gia. Có 4 doanh nghiệp Bảo hiểm đăng ký tham gia là: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 các doanh nghiệp bảo hiểm đã có văn bản thông báo tạm dừng triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67. Nguyên nhân được báo cáo là do tàu cá bị tổn thất quá lớn trong khi không tìm thấy xác tàu, không xác định được nguyên nhân tổn thất và không loại trừ khả năng có gian lận bảo hiểm, trục lợi chính sách. Trường hợp tiếp tục triển khai các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thua lỗ lớn, ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính của doanh nghiệp.
Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm tàu cá không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Pháp luật về thủy sản cũng không quy định việc chủ tàu phải thực hiện việc mua bảo hiểm thân tàu trước khi ra khơi, trừ bảo hiểm cho thuyền viên. Doanh nghiệp bảo hiểm và ngư dân thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm trên, nguyên tắc tự nguyện phù hợp với quy định pháp luật. Ngư dân có thể lựa chọn mua bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định 67 hoặc chính sách bảo hiểm khác. Bộ NN&PTNT cũng đã nhiều lần có văn bản và trao đổi với Bộ Tài chính liên quan nội dung này.
Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hoá, một số chủ tàu khó khăn trong việc mua bảo hiểm thân tàu dẫn đến tình trạng các chủ tàu chưa chấp hành theo đúng cam kết bảo toàn tài sản từ nguồn vốn vay ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định 67.
Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hoá đang phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ phí duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
Trước thực tế này, Bộ Tài chính cũng đã có các công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan để triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 và văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Bộ NN&PTNT xem xét sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm và chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với trang thiết bị ngư lưới cụ của tàu cá tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67.
Chia sẻ về khó khăn về hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết: Đây là chính sách nhân văn dành cho ngư dân để đảm bảo tài sản của ngư dân khi ra khơi bám biển. Mặc dù thời gian qua đã có chính sách ưu tiên ưu đãi cho bảo hiểm thân tàu cũng như bảo hiểm thuyền viên, nhưng về cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt Bộ Tài chính cần nghiên cứu có phần hỗ trợ lớn hơn cho việc bảo hiểm thân tàu cũng như bảo hiểm thuyền viên khi thực hiện ra khơi bám biển, đang có những khó khăn nhất định.
“Việc hỗ trợ này vừa mang tính chính trị, nhân văn, thực tiễn giúp cho ngư dân an tâm ra khơi bám biển, vừa làm kinh tế biển, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngân sách Nhà nước nên có nghiên cứu hỗ trợ” - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Clip đóng góp của chuyên gia kinh tế với dự thảo sửa đổi của Nghị định 67:
Trong báo cáo về Nghị định 67, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm cho ngư dân theo quy định của Nghị định 67; tạo thuận lợi cho ngư dân lựa chọn doanh nghiệp để mua bảo hiểm; nghiên cứu đề xuất duy trì hỗ trợ phí bảo hiểm, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên.
Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục cùng các ngân hàng đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết; hướng dẫn người dân thực hiện cơ chế chuyển nhượng tàu cá trong thời gian tới theo đúng quy định khi người dân có nhu cầu; phối hợp với các ngân hàng chủ động rà soát, phân loại các trường hợp chưa hoặc không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả cho từng trường hợp.
Để xử lý những tồn tại, vướng mắc hiện nay, đặc biệt là hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả hơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phối hợp các đơn vị có liên quan sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách theo Nghị định 67.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại nguồn thủy sản, ngư trường, quy hoạch phát triển tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất để phát triển bền vững, đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ tiền dầu, duy tu, bảo dưỡng…
Trước thực trạng nhiều tàu cá đóng theo Nghị định 67 làm ăn thua lỗ, nợ xấu tăng cao, các cơ quan chức năng bước đầu có những chủ trương, giải pháp gỡ khó cho ngư dân. Tuy nhiên đến nay, ngư dân và các bộ, sở ban ngành liên quan vẫn phải chờ dự thảo sửa đổi của Nghị định 67 sớm được thông qua, từ đó mới có được khung pháp lý để xử lý triệt để, đặc biệt sự chỉ đạo từ cấp Trung ương.