Cảnh giác với các Trung tâm gia sư tự phát

Nhiều sinh viên đặt niềm tin nhầm nơi, làm gia sư tại một số trung tâm tự phát, không chỉ được đi dạy, mà còn được “phổ cập” kiến thức ăn gian, nói dối.

Chú thích ảnh
Một bạn sinh viên liên hệ với trung tâm gia sư để tìm việc. Ảnh: NVCC

Ngượng vì bị bắt phải nói dối 

Ngoài làm phục vụ cho các quán ăn, quán cà phê... một số sinh viên có nhu cầu làm gia sư. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ hiểu biết để lựa chọn các trung tâm môi giới gia sư uy tín. Một số người vì không tìm hiểu kỹ, chọn những trung tâm gia sư tự phát, không có sự quản lý của Nhà nước, dẫn đến bị mất tiền oan. Ở đó, các bạn trẻ không chỉ bị lừa, mà còn học được cách nói dối phụ huynh học sinh.

Bạn N.H.L (sinh viên năm thứ nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từng tìm đến công việc gia sư và đã có những trải nghiệm đáng nhớ. 

“Lên Hà Nội, vì muốn phụ giúp gia đình về kinh tế, tôi đã tìm đến công việc gia sư để làm thêm. Lựa chọn đi dạy thêm, tôi nghĩ mình phù hợp; nhưng ban đầu, khi tìm hiểu về công việc này, tôi cũng khá lo lắng bởi học lực của bản thân chỉ dừng ở thứ hạng khá. Sau khi tìm hiểu về các trung tâm môi giới gia sư trên Facebook, tôi đánh liều liên hệ thử. Khác với điều đang lo lắng, tôi lại khá bất ngờ khi vừa nhắn tin, thay vì hỏi về thành tích, khả năng dạy học, bên Trung tâm gia sư đã đồng ý ngay và liền giới thiệu và hứa hẹn sẽ tìm cho tôi học sinh phù hợp. Tuy nhiên, để được ký hợp đồng, tôi được thông báo phải đóng nửa tháng lương đầu tiên cho trung tâm, dù chưa nhận lớp...”, bạn N.H.L chia sẻ.

Quyết định tham gia, sau khi ký hợp đồng, Trung tâm này gửi địa chỉ dạy học cho N.H.L. Tuy nhiên, buổi đầu dạy học, L. đã đi tới 10 vòng quanh địa chỉ trung tâm cho để tìm nhà học sinh, nhưng không thấy.

“Khi tôi hỏi tất cả người dân ở gần đó, họ đều trả lời, ở đây không có địa chỉ cần tìm. Sau đó, tôi gọi điện cho anh quản lý của Trung tâm, nhưng anh này không hề bắt máy...”, L. cho hay. Quay về nhà, L. mới nhận ra mình bị lừa.

"Sau khi nhận bài học nhớ đời, tôi mới tìm hiểu và biết được trên mạng xã hội tràn lan các trung tâm không yêu cầu cao về khả năng dạy học, kiến thức hay trình độ, nghiệp vụ sư phạm hay bảng điểm, chỉ cần ký hợp đồng và đóng tiền cọc là có thể đi dạy. Đáng nói, hợp đồng tôi ký với trung tâm gia sư này cũng chỉ có chữ ký, không có con dấu chứng minh nơi này thuộc quyền quản lý của Nhà nước và không có giá trị pháp lý", cô chia sẻ.

May mắn hơn vì nhận được "mối" đi dạy qua trung tâm gia sư, bạn V.K.H (19 tuổi, ở Hà Nội) cũng phải "bỏ của chạy lấy người", H. kể: “Trong buổi đầu gặp mặt với phụ huynh, bên Trung tâm còn dặn mình không được giới thiệu đến từ trường mình đang theo học, phải nói là học ngành Sư phạm. Trước khi mình đến chỗ dạy, quản lý của Trung tâm cũng nói rằng, họ đã kể qua thành tích với phụ huynh, nên khi đến nhà, cứ "chém gió" về thành tích miễn sao phụ huynh tin là được”.

Đáng nói hơn, khi đến lớp dạy H. mới biết, Trung tâm này xếp cho cô dạy một học sinh có vấn đề về tâm lý, kém phát triển trí tuệ và không chịu hợp tác, không hề trao đổi trước. Cuối cùng, vì áp lực, H. đã phải từ bỏ công việc gia sư và chấp nhận mất 800.000 đồng tiền cọc.

“Họ bắt mình phải đi dạy thì mới được hoàn tiền. Nhưng vì quá mất niềm tin vào trung tâm, nên mình đã ngậm đắng nuốt cay chấp nhận mất tiền oan”, H. bộc bạch.

Đó là chưa kể nhiều gia đình nghe theo các trung tâm gọi điện tư vấn và tìm gia sư online, nhắm mắt trao gửi niềm tin, không rõ chất lượng dạy thêm, trình độ người dạy. 

Theo quy định, hoạt động của các trung tâm gia sư phải có sự quản lý của Sở giáo dục và Đào tạo địa phương với trung tâm hoạt động. Người đứng đầu trung tâm phải đủ điều kiện và những người là gia sư của trung tâm cũng phải đạt những tiêu chí, tiêu chuẩn pháp luật quy định. Tuy nhiên, tình trạng các trung tâm gia sư vẫn mọc lên tràn lan, thậm chí họ còn lấy được số điện thoại và tự động gọi điện cho người dân để môi giới, tư vấn, không rõ chất lượng ra sao...

Tránh mất tiền oan

Thực tế, nhiều sinh viên, phụ huynh học sinh đã và đang là nạn nhân của các trung tâm gia sư hoạt động không đúng pháp luật. Theo các chuyên gia, các cơ quan Nhà nước nên tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện các trung tâm môi giới thiếu minh bạch. Các bậc phụ huynh cũng cần thận trọng khi lựa chọn gia sư cho con em mình, tránh trường hợp gặp phải các trung tâm gia sư tự phát, không đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, sinh viên tìm việc làm thêm cũng cần tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa.

Trao đổi về quy định với các trung tâm gia sư, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: “Các trung tâm gia sư tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không còn xa lạ đối với học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, hoạt động gia sư thiếu sự quản lý của Nhà nước, thiếu sự cẩn trọng của các bên khi tham gia các hợp đồng cũng dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, đôi khi bị lừa gạt mất tiền. 

Việc tổ chức và hoạt động của các trung tâm gia sư phải tuân thủ quy định của Luật giáo dục; Nghị định số 84/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục; Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy, học thêm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; Thông tư liên tịch 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế ban hành… Do đó, các trung tâm gia sư phải hoạt động như một pháp nhân phải có tài khoản riêng, con dấu riêng và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của mình". 

Theo đó, đối với các hợp đồng thể hiện là giữa trung tâm gia sư về một bên là phụ huynh hoặc giáo viên, nhưng hợp đồng đó chỉ ký tay, không đóng dấu thì chỉ là quan hệ dân sự, không đáp ứng điều kiện của hoạt động giới thiệu việc làm, dễ phát sinh tranh chấp và dễ gặp rủi ro cho các phụ huynh học sinh, cũng như các giáo viên.

Bởi vậy, để tránh phát sinh những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, phải đảm bảo chất lượng dạy và học, đảm bảo quyền lợi của học sinh, cũng như của các phụ huynh và giáo viên, cơ quan Nhà nước nên tăng cường công tác kiểm tra rà soát để kịp thời phát hiện các trung tâm gia sư hoạt động không đúng pháp luật, các bậc phụ huynh cũng thận trọng khi lựa chọn gia sư cho con em mình, tránh trường hợp gặp phải các trung tâm gia sư tự phát, không đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn, thiếu sự quản lý của nhà nước để tránh việc tiền mất, tật mang.

Hà Khánh Linh
Học sinh lớp 3 bị nữ gia sư luyện chữ đẹp đánh bầm tím tay và mặt
Học sinh lớp 3 bị nữ gia sư luyện chữ đẹp đánh bầm tím tay và mặt

Ngày 31/7, Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã chỉ đạo UBND và Công an phường Hùng Thắng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc một trẻ em bị đánh khi tham gia vào lớp luyện chữ tại nhà riêng của một nữ “gia sư” trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN