Hệ lụy từ khoan giếng tự phát
Ngày 6/4, một gia đình ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội khi đang khoan giếng nước ngầm, thì bất ngờ cả giàn khoan và một cây lộc vừng bị sụt xuống. Mặt đất hiện lên một miếng hố rộng, sâu hoắm, nuốt trọn cả giàn khoan. Hố sụt ngày càng mở rộng và “ngoạm” vào nhiều nhà bên cạnh, tạo nhiều vết nứt chạy dọc theo đường tỉnh lộ 419.
Theo các chuyên gia, khoan giếng nước ngầm là một trong những nguyên nhân chính tác động gây nên “hố tử thần” như vừa qua.
TS Địa chất Hoàng Văn Hoan, Trưởng ban Điều tra Tài nguyên nước (Trung tâm Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia) đánh giá, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng sụt lún tại Hà Nội. Trước đó, các “hố tử thần” đã từng xảy ra ở nhiều xã như: Đồng Quang, Ngọc Mỹ, Yên Sơn (huyện Quốc Oai), An Tiến, Hùng Tiến, Hợp Thanh, Lê Thanh, Xuy Xá, Hợp Tiến, An Mỹ, Phúc Lâm,… (huyện Mỹ Đức)... Đặc điểm chung của những vụ sụt lún phần lớn đều xuất phát trong quá trình khoan giếng khai thác nước dưới đất.
Theo TS Địa chất Hoàng Văn Hoan, những điểm thường xuyên xảy ra sụt lún đều nằm ở khu vực phía Tây, Hố “tử thần” trên địa bàn xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Tây Nam Hà Nội, nơi tập trung rất nhiều đá vôi, hoạt động karst ngầm. Đây là quá trình hòa tan của đá, tạo nên các hệ thống “hang động” có hình dạng và kích thước khác nhau, phân bố ở những độ sâu khác nhau trong lòng đất.
“Qua những vụ sụt đất ở khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội, có thể thấy nguyên nhân và cơ chế gây sụt lún đất khá đa dạng, ngoài yếu tố tự nhiên, hoạt động karst ngầm diễn ra mạnh mẽ cũng sẽ xảy ra sụt lún thì tác động trực tiếp của con người như khoan giếng sẽ tạo rung chấn trong khi khoan, đặc biệt khi khoan vào lớp đá nứt nẻ phía trên hang, kết hợp với việc mất nước trong lỗ khoan làm sập thành lỗ khoan và sập trần hang. Hiện tượng này xảy ra tại khu vực xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ. Theo mô tả của ông Nguyễn Hạ Lĩnh, trưởng nhóm thợ khoan thì khi khoan tới độ sâu 42m, thì gặp lớp đá cứng, do mũi khoan sử dụng không phải là mũi khoan đá nên sau 20 phút không khoan được và hiện tượng sụt đất bắt đầu xảy ra”, ông Hoan cho biết.
Theo đánh giá của người dân cũng như các địa phương, nhiều khu vực ngoại thành chưa có hệ thống cấp nước sạch. Trước đây người dân chủ yếu sử dụng nước mưa, nước trong các giếng đào. Dần dần, nước ngầm bị cạn kiệt, ô nhiễm, nước giếng đào không sử dụng được nên nhiều hộ đã chuyển sang khoan giếng sâu hơn để khai thác nước ngầm. Tại huyện Chương Mỹ, hiện nay mới có trên 6.000 hộ, chiếm gần 8% dân số của huyện được sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước trên địa bàn; còn 26 xã trong số 32 xã, thị trấn chưa được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân là nhà đầu tư hệ thống cấp nước - Công ty CP Môi trường đô thị Xuân Mai, dự kiến sử dụng nguồn nước sạch sông Đà, song nguồn nước này hiện chưa phủ tới phạm vi dự án, cho nên nhà đầu tư chỉ sử dụng các trạm cấp nước hiện có.
Mặt khác, còn có nhiều gia đình không đăng ký sử dụng nước sạch mà đã bỏ tiền thuê khoan giếng hút nước ngầm để dùng vì chi phí cho nước giếng khoan rẻ hơn so với kinh phí phải chi trả để lắp đặt đường ống cấp nước sạch và tiền nước hàng tháng. Việc khai thác nước dưới đất tràn lan gây suy thoái chất lượng nguồn nước, sụt lún nền đất và gây tác động đến hang karst ngầm gây sụt lún.
Theo Quyết định số 554/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến khai thác nguồn nước ngầm giai đoạn đến năm 2025 là khoảng 615.000 m3/ngày, giai đoạn đến năm 2030 khoảng 504.000 m3/ngày và giai đoạn đến năm 2050 khoảng 413.000 m3/ngày. Giảm dần quy mô công suất các nhà máy nước ngầm để đảm bảo khai thác an toàn nguồn nước ngầm. Các nhà máy nước ngầm bị suy giảm về chất lượng, trữ lượng sẽ chuyển thành nguồn dự trữ, trạm điều tiết, trạm bơm tăng áp cục bộ cho Thủ đô Hà Nội.
Siết chặt quản lý
Theo các chuyên gia, để khắc phục được tìnhtrạng trên, cần thiết phải có những biện pháp xử lý tạm thời và lâu dài, đồng bộ. Trong trường hợp phải khoan giếng, cần thiết phải áp dụng khoa học kỹ thuật hợp lý, với sự tư vấn của những người có chuyên môn. Bên cạnh đó, sử dụng mô hình cấp nước tập trung từ các giếng khoan đặt tại những nơi phù hợp với quy hoạch chung, được nghiên cứu khảo sát địa chất kỹ do những cơ quan chuyên môn thực hiện và tiến tới đầu tư, kêu gọi đầu tư đồng bộ hệ thống cung cấp nước sạch.
Video ông Hoàng Văn Hoan, Trưởng ban Điều tra Tài nguyên nước (Trung tâm Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia) chia sẻ về tình trạng khoan giếng tạo thành "hố tử thần":
Thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc ước tính khoảng 10,5 triệu m3 /ngày đêm, trong đó một số đô thị khai thác nước dưới đất lớn như TP Hà Nội khoảng 1,8triệu m3/ngày đêm; TP Hồ Chí Minh khoảng 850.000 m3 /ngày đêm…
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, pháp luật quy định các tổ chức, cá nhân (tư nhân) hành nghề khoan, khai thác nước ngầm phải đảm bảo các quy định về điều kiện năng lực và được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 60/2017/ NĐ-CP, quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Nghị định số 136/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 60/2017/NĐ-CP và Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, trong đó quy định các điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất theo từng quy mô lớn, vừa, nhỏ (Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép quy mô lớn, UBND cấp tỉnh cấp giấy phép quy mô nhỏ, vừa).
“Các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan có thẩm quyền cấp và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trong đó có việc phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật khoan và các quy định về bảo vệ nước dưới đất”, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cho hay.
Cần khảo sát toàn diện vùng có nguy cơ sụt lún cao
PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã trao đổi với PV Báo Tin tức về tình trạng sụt lún đất gây nên các “hố tử thần” Các huyện ngoại thành phía tây Hà Nội như Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ... thuộc dải đá vôi Tây Bắc Việt Nam.
Trước khi một số đợt biển tiến lớn diễn ra, trong đó có đợt biển tiến Flandrian nổi tiếng cách ngày nay khoảng 6.000 năm, làm ngập chìm đồng bằng sông Hồng lên đến tận Việt Trì, thì các diện lộ đá vôi kể trên đã trải qua quá trình karst hóa lâu dài, tạo thành các khối, dải đá vôi cùng hệ thống hang động rộng khắp. Quá trình biển tiến, lắng đọng trầm tích cùng lúc với sự sụt xuống từ từ của đồng bằng đã khiến cho một phần của các diện lộ đá vôi kể trên ở hai bên rìa đồng bằng bị chìm xuống, tạo nên hệ thống hang động ngầm. Một phần của hệ thống này sau đó đã bị lấp nhét bởi các trầm tích biển, trầm tích sông nhưng một phần vẫn còn và một phần vẫn đang tiếp tục hoạt động, mở rộng và thi thoảng bị sập đổ, kéo theo sập sụt lớp trầm tích phía trên.
Đó chính là những gì chúng ta bắt gặp dưới tên gọi “hố tử thần” ở các huyện ngoại thành phía tây Hà Nội và một số địa phương khác như Hòn Gai, Uông Bí, Cẩm Phả...
“Hố tử thần” có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng thường gặp vào thời kỳ hanh khô kéo dài. Nguyên do là mực nước ngầm khi đó bị hạ thấp, thậm chí bị hạ thấp đột ngột, tải trọng của lớp trầm tích phía trên hang động ngầm không còn được chia sẻ một phần cho tầng nước ngầm bên dưới mà dồn toàn bộ lên trần các hang động ngầm. Một vài vị trí trần hang mỏng, vốn đã bị yếu, sức chịu tải kém, có thể vì thế sẽ bị sập đổ, gây ra “hố tử thần”.
Thời gian gần đây, “hố tử thần” có vẻ thường xảy ra hơn, một phần cũng có thể do các hoạt động nhân sinh như xây nhà, làm đường... chất thêm tải trọng lên hệ thống hang động ngầm bên dưới.
Khoan giếng bơm hút nước ngầm cũng là một lý do làm mất cân bằng mối quan hệ giữa tải trọng của lớp đất bên trên, hệ thống hang động và mực nước ngầm bên dưới, gây ra “hố tử thần”.
“Hố tử thần” không phải là hiện tượng hiếm gặp, từ xưa đến nay đã và đang xảy ra ở một số địa phương của Việt Nam và trên thế giới, những vùng có các diện lộ đá vôi và đá vôi ngầm. Giải pháp quản lý thông thường và thích hợp nhất là phải điều tra, khảo sát một cách toàn diện, khoanh vùng những diện tích có các diện đá vôi ngầm và đánh giá nguy cơ sập sụt karst. Ở những khu vực có nguy cơ sập sụt cao cần có cảnh báo, tốt nhất là tránh, không chất thêm tải trọng mà chỉ bố trí những công trình nhẹ, như vườn hoa, công viên...