Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, ngày 28/8, chỉ số tia cực tím (UV) ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 7-9 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1. Theo dự báo, chỉ số UV sang ngày 29/8 có xu hướng giảm nhẹ xuống, sau đó tăng trở lại từ ngày 30/8. Khu vực các thành phố miền Trung và miền Nam còn duy trì mức chỉ số UV cao 9-10, có nơi đạt 11, mức có nguy cơ gây hại rất cao.
Tia UV là gì?
Tia UV (từ tiếng Anh Ultraviolet) hay còn được gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại, là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X. Phổ tia cực tím bao gồm thành tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 đến 200 nm) và tử ngoại xạ hay tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 đến 10 nm).
Theo phân loại của Ủy ban Quốc tế về chiếu sáng, có 3 loại tia UV chính: UVA, UVB và UVC. Trong đó, có hai loại tia cực tím cơ bản chiếu tới mặt đất là UVB và UVA.
Năm 2009, Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC - International Agency for Research on Cancer) đã xếp các tia UV này vào loại tác nhân gây ung thư cho con người. Mức độ tia UV mạnh nhất trong ngày thường kéo dài từ 11h sáng đến 17h chiều, cao nhất là vào giữa trưa. Nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, lão hóa da, ức chế miễn dịch và thậm chí là ung thư da.
Các tổ chức y tế quốc gia khuyến cáo người dân nên tự bảo vệ mình, bằng cách thoa kem chống nắng cho da và đội mũ khi chỉ số UV đạt 3 hoặc cao hơn để phòng, tránh tất cả các bệnh trên. Hạn chế tối đa việc ra ngoài hay tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng vào giờ cao điểm từ 11 giờ sáng đến 17 giờ chiều.
Có 5 mức độ của tia UV được cảnh báo và mức thời gian có hại khi tiếp xúc với tia UV như sau:
Mức 1 – 2: Đây là chỉ số ở mức an toàn, tuy nhiên nếu tiếp xúc trực tiếp hơn 60 phút với ánh nắng mà không có quần áo che chắn, bảo vệ da bạn sẽ bị bỏng da.
Mức 3 – 5: Chỉ số mức độ nguy cơ ở mức vừa, tuy nhiên bạn sẽ bỏng da sau 40 phút nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không có quần áo che chắn, bảo vệ da. Nguy cơ tổn hại da thấp. Bạn nên tránh đi ra ngoài vào giữa trưa.
Mức 6 – 7: Chỉ số mức độ nguy cơ ảnh hưởng cao. Bạn sẽ bị bỏng da sau 30 phút nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không có quần áo che chắn, bảo vệ da. Nguy cơ tổn hại da ở mức trung bình. Bạn nên tránh đi ra ngoài vào giữa trưa.
Mức 8 – 10: Là chỉ số ở mức độ nguy cơ có ảnh hưởng rất cao. Bạn sẽ bỏng da sau 25 phút nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không có quần áo che chắn, bảo vệ da. Nguy cơ tổn hại cao. Phơi nắng liên tục từ 6 giờ trở lên mà không đeo kính tâm sẽ bị rối loạn thị giác.
Mức 11+: Là chỉ số ở mức quá cao. Bạn sẽ bị bỏng da sau 10 phút nếu liên tục tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không có quần áo che chắn, bảo vệ da. Việc phơi nắng liên tục từ 6 giờ trở lên mà không đeo kính tâm sẽ bị rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng, cảm thấy có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.