Chị Nguyễn Thị Thu Hường (23 tuổi), công nhân Công ty Canon Việt Nam, cảm thấy may mắn vì được thuê nhà ở giá rẻ từ dự án nhà chung cư cho công nhân, lao động. Từ hơn 1 năm nay, chị Hường chuyển vào ở trong khu nhà chung cư cho công nhân (Hải Bối, Đông Anh). Khu đơn nguyên dành riêng cho công nhân nữ chừng 20 m2, có có 3 giường tầng, mỗi giường hai tầng, dành cho 6 người ở. Ngoài phòng ở, tại đây còn bố trí phòng điều hòa, phòng bếp, phòng sinh hoạt chung và khu vệ sinh riêng biệt cho lao động.
"So với việc ở phòng trọ ngoài thì chỗ ở như trên tốt hơn. Điều kiện sinh hoạt đảm bảo, an ninh tốt, đặc biệt giá thuê chỉ 50.000 đồng/tháng)", chị Hường cho biết.
Không giống như chị Hường, chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Công ty Panasonic lại đăng ký thuê căn hộ dành cho gia đình. Căn nhà chừng 70 m2 với giá hơn 1,7 triệu đồng. So với mức thu nhập của 2 vợ chồng thì khoản tiền nhà này vẫn khá cao. Hiện tại lương của 2 vợ chồng chị chỉ được khoảng 15 triệu đồng. May mắn được thuê nhà ở chung cư dành cho công nhân, nhưng theo chị Nguyễn Thị Hiền, chất lượng nhà ở khá thấp, cũ kỹ. Thang máy thường xuyên bị hỏng, điều hòa lúc bật được lúc không.
Còn chị Trịnh Thị Dung, công nhân ở khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, chị chưa từng nghĩ tới chuyện mua nhà: "Hai vợ chồng tôi đi làm chỉ đủ ăn và nuôi 2 con. Chúng tôi xác định thuê nhà ở tới khi nào không làm nữa thì về quê".
Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết, chỗ ở cho công nhân được TP Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, Khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của thành phố.
Khu nhà ở có quy mô 28 tòa, gồm 24 tòa nhà cao 5 tầng (1.084 căn hộ), cung cấp 9.168 chỗ ở; 4 tòa nhà cao 15 tầng (448 căn hộ), cung cấp 2.352 chỗ ở. Số lượng chỗ ở này mới đáp ứng được khoảng 6,8% chỗ ở cho công nhân hiện nay. Giá cho thuê của các căn hộ tại đây khá rẻ: 120.000 đồng/người/tháng với căn hộ tập thể và gần 30.000 đồng/m2/tháng đối với căn hộ có diện tích 45 - 70 m2.
Mặc dù được thiết kế, xây dựng cung cấp chỗ ở phù hợp cho các đối tượng: Đơn thân (phòng ở tập thể), hộ gia đình (căn hộ khép kín), song ông Bùi Quốc Dũng cũng cho rằng, các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ chứ chưa mang tính hấp dẫn, chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày: Nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội...
Chia sẻ với những khó khăn mà người lao động đang gặp phải, bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, huyện có trên 4.000 doanh nghiệp. 22.400 công nhân đang làm việc và thuê trọ. Trước đây, huyện đã hỗ trợ thuê trọ cho toàn bộ số lao động này. Riêng xã Kim Chung có khoảng 800 nhà dân cho thuê trọ, khoảng 5.000 lao động thuê trọ.
"Do số lượng chung cư xã hội cho công nhân hạn chế, nên hầu hết công nhân chọn thuê trọ ngoài nhà dân, vì dù phòng ốc chật chội nhưng cũng tiện cho sinh hoạt", bà Nguyễn Thị Tám cho biết.
Từ nhiều năm nay, huyện cũng quan tâm, đầu tư xây dựng các trường, mầm non, trường tiểu học... để cho con em công nhân có nơi học. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, đảm bảo người dân ở đây có gì thì công nhân lao động ở đây cũng được thụ hưởng những cái đó.
Theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có hơn 3,78 triệu công nhân, lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.
Trong khi đó, việc phát triển nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng hơn 62.000 căn hộ, đáp ứng được hơn 30% nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động. Hiện có thêm 127 dự án nhà ở, với khoảng hơn 160.900 căn hộ đang được triển khai.
Tại Hà Nội cũng có gần 170.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, với các khu nhà ở đã xây dựng, hiện thành phố mới cung cấp được 1.532 phòng (khoảng 11.520 chỗ ở) cho công nhân, đáp ứng được khoảng 6,8% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân.
Thực tế hiện nay cho thấy với mức lương trung bình từ 6 - 9 triệu đồng/tháng, công nhân sẽ không có điều kiện tích lũy để mua nhà ở xã hội. Điều này dẫn tới việc công nhân phải chọn thuê trọ trong những căn phòng trọ có điều kiện sống tạm bợ, diện tích chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí...