Việc nhiều loài sinh vật ngoại lai (SVNL) nhập vào Việt Nam, không những làm mất cân bằng sinh thái mà còn ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế. Tuy nhiên, số lượng cũng như mức độ xâm lấn của SVNL vẫn tiếp tục gia tăng và trách nhiệm, sự tham gia của cơ quan quản lý, cũng như nhận thức người dân về vấn đề này vẫn còn hạn chế.
Lợi bất cập hại
Ốc bươu vàng, loài SVNL có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nhập khẩu vào Việt Nam từ những năm 1980, được gắn cho cái tên “kẻ thù của nông dân”. Ban đầu, ốc bươu vàng được nhập về với mục đích nhân giống làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thực phẩm cho người, nhưng chúng ta đã không thể lường trước tốc độ sinh sôi nảy nở chóng mặt và sự tàn phá ghê sợ của loài sinh vật này. Ốc bươu vàng đã làm mất trắng và phải trồng lại hàng nghìn ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Rồi lan rộng ra miền Trung, miền Bắc, nông dân cả nước điêu đứng trước nạn ốc bươu vàng. Chỉ tính riêng năm 1995, diện tích bị nhiễm ốc bươu vàng đã lên tới hơn 15.000 ha.
Các cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội kiểm tra bẫy rùa tai đỏ đặt tại Hồ Gươm năm 2011. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Để đối phó, các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp như sử dụng động vật, thuốc trừ sâu, nhử bằng mồi ăn… nhưng không hiệu quả. Hà Nội được biết đến là một trong những địa phương đi đầu phong trào thuê người dân bắt ốc để bán với giá 5.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm là 20.000 đồng/kg, nhưng vẫn không thể tiêu diệt tận gốc. Sau đó, bằng hàng loạt các biện pháp như ra văn bản cấm nuôi, thả ốc bươu vàng, tăng giá thu mua… thì nạn ốc bươu vàng đã giảm nhiệt, nhưng vẫn là một mối nguy chưa thể diệt trừ.
Đến nay cũng chưa thể thống kê một cách đầy đủ những thiệt hại do ốc bươu vàng gây nên, nhưng sơ bộ, chi phí cho chiến dịch tiêu diệt ốc bươu vàng trong cả nước lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, những đe dọa từ ốc bươu vàng đến hệ sinh thái, môi trường, suy giảm đa dạng sinh học bản địa cũng là điều mà các chuyên gia môi trường lo ngại.
Gần đây nhất, câu chuyện về nuôi gián đất tại Bắc Ninh được nhắc đến như một bài học cho những người dân khi đầu tư vào SVNL. Qua thương lái Trung Quốc, 3 hộ gia đình tại Bắc Ninh đã nhập loài gián đất về nuôi, đầu tư chuồng trại quy mô. Nhưng gián đất là vật chủ trung gian truyền bệnh về tiêu hóa, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và loài này không nằm trong danh mục được nuôi tại Việt Nam. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản xử lý và cấm nuôi loại gián này. Dù ở quy mô nhỏ, nhưng thiệt hại từ vụ việc này cũng là hàng tỷ đồng, và người chịu thiệt là những người dân không nắm rõ được mối nguy từ những SVNL.
GS.TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết, theo thống kê hiện nay, hầu hết những loài SVNL phát hiện tại Việt Nam đều là những loài thuộc danh sách “100 SVNL xâm lấn nguy hiểm trên thế giới” và tác hại của những loài SVNL này đã được thấy rõ.
Nhận thức và quản lý chưa tốt
Theo thống kê của Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), số lượng SVNL xâm hại có khoảng 94 loài, trong đó có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh ngoại lai. SVNL được nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường: Qua đường nhập khẩu phục vụ chăn nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh, hoặc theo con đường tự nhiên, không chủ đích của con người.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến những hậu quả trên là do những lỗ hổng trong kiểm soát và quản lý. Việc quản lý SVNL được quy định trong Luật Đa dạng sinh học, nhưng chưa rõ ràng chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành. Ngành nông nghiệp có trách nhiệm nhập và quản lý các loại giống cây, con vào Việt Nam, nhưng trách nhiệm quản lý về SVNL lại do ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, dẫn đến chồng chéo, thiếu thống nhất và hiệu quả. Những quy định về SVNL đã có nhưng chưa hiệu quả, còn mờ nhạt, chưa có hướng dẫn cụ thể.
Cùng với sự rõ ràng, thiếu thống nhất trong quy định, việc thực hiện tại địa phương còn nhiều “lỗ hổng”, việc quản lý SVNL chưa được chú trọng. Nhận thức về loài SVNL của cả cán bộ cũng như người dân còn rất hạn chế. “Có không ít cán bộ không hề biết cây mai dương, cây ngũ sắc hay ốc bươu vàng là SVNL", một chuyên gia chia sẻ.
GS.TS Mai Đình Yên cho rằng, điều quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập về SVNL và phải quản lý tốt sau nhập khẩu. "Đặc biệt, cần có những chế tài cũng như tuyên truyền để tăng cường nhận thức và trách nhiệm của những nhà quản lý các cơ quan liên quan. Đồng thời, phải có cơ chế khuyến khích đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia vấn đề này”, GS. TS Mai Đình Yên đề xuất.
Về góc độ quản lý, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, để ngăn ngừa và kiểm soát, giảm thiểu tác hại sự xâm lấn của các loài SVNL tại Việt Nam, trước hết cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại như những quy định về phân tích rủi ro trước khi nhập khẩu, quy định về phát hiện sớm, phản ứng nhanh về loài SVNL. “Cấp thiết xây dựng những hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến đánh giá rủi ro, kiểm soát và diệt trừ loài SVNL. Có cơ chế phối hợp giữa Trung ương, địa phương và người dân trong kiểm soát SVNL. Việc ngăn ngừa tác hại của SVNL phải bắt nguồn từ nhận thức của chính những người quản lý, những người nông dân, để họ biết nuôi con gì và trồng cây gì là hợp lý, tránh những tình trạng “nhập nhầm” SVNL về nuôi”, bà Nhàn nhấn mạnh.
Thu Trang