Cần hỗ trợ sớm cho nông dân gặp lũ đồng bằng sông Cửu long

Lũ lên đúng thời điểm bà con nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Ngọc (ảnh), Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, chỉ có 5.000 ha lúa bị mất trắng, số diện tích này không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng lúa năm.

´Khi triển khai sản xuất vụ thu đông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tính tới khả năng xảy ra lũ như hiện nay không, thưa ông?

Khi đề ra kế hoạch sản xuất vụ thu đông, chúng tôi dựa trên ba nguyên tắc. Thứ nhất, Bộ xác định đây là vụ nằm trong khung thời gian nước lũ lên. Do vậy, những địa phương muốn mở rộng diện tích thu đông chắc chắn phải làm ở những nơi an toàn, hiệu quả, có bờ đê bao ngăn lũ, tránh được cả lũ sớm và muộn.

Bộ đội và nhân dân tập trung giữ tuyến đê Trung Tâm, xã Thông Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, bảo vệ hàng trăm hécta lúa vụ ba. Ảnh: Tràng Dương-TTXVN

Thứ hai, vụ thu đông cho năng suất cao, đặc biệt thuận lợi khi thu hoạch vào mùa khô nên chất lượng hạt gạo rất tốt. Thêm vào đó, rất dễ tiêu thụ, được giá. Và thứ ba, đây là cơ sở để nhân giống cho vụ đông xuân, bắt đầu tháng 11.

Cục đã cùng Viện Thiết kế và Quy hoạch nông nghiệp làm việc tại 13 địa phương miền Tây, chỉ rõ vùng có thể mở rộng vụ thu đông là vùng có bờ đê bao.
Do vậy, vụ thu đông chúng ta chỉ tăng diện tích thêm 100.000 ha (tương đương với 500.000 tấn) và chỉ thực hiện ở những địa bàn ít bị ảnh hưởng bởi nước lũ và phải có sự hỗ trợ của Nhà nước (kinh phí gia cố bờ đê bao, xăng dầu để bơm tát và hạt giống). Theo thống kê, đến thời điểm này, mới chỉ có gần 5.000 ha lúa bị mất trắng, số diện tích này không lớn, không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng chung.

Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ sớm, các địa phương sẽ chủ động đắp bờ đê bao, hạn chế thiệt hại cho người dân. Việc thực hiện hỗ trợ của Bộ Tài chính chậm nên người nông dân bị thiệt hại.

´Xin ông nói rõ hơn về việc hỗ trợ chậm trễ này, dẫn tới việc bị mất trắng 5.000 ha lúa?

Ngành nông nghiệp đã lường trước tình hình nước lũ xảy ra. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị hỗ trợ rất sớm nhưng Bộ Tài chính do dự và chỉ đồng ý hỗ trợ 100 tỷ đồng, số tiền này quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Đến khi xảy ra lũ, Bộ Tài chính hỗ trợ thêm 170 tỷ đồng cho 8 tỉnh ĐBSCL gia cố đê bao, khắc phục hậu quả. Nếu số tiền này được hỗ trợ ngay từ đầu thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Tóm lại, tôi cho rằng, rút kinh nghiệm cho những năm sau, chúng ta nên hỗ trợ ngay từ ban đầu, ngay khi có đề nghị của các địa phương, ngành nông nghiệp để triển khai gia cố bờ đê, xây dựng đê... và như thế sẽ giảm thiệt hại.

´Trên thực tế, một số người dân xuống giống những vùng đất không nằm trong quy hoạch sản xuất, bất chấp các khuyến cáo của chính quyền. Vậy ngành có biện pháp gì để giải quyết triệt để tình trạng này?

Khi giá lương thực cao, người nông dân không nghe khuyến cáo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã vội xuống giống ngay cả những vùng không có bờ đê bao. Vì vậy, năm nay những diện tích đó đều bị thiệt hại.

Trước hết, phải thấy rằng đây là bài học của người nông dân do tự phát trồng lúa vụ 3; thứ hai, các cấp chính quyền phải thể hiện rõ vai trò của mình thông qua hình thức hành chính chứ không còn là khuyến cáo nữa. Và cuối cùng là Nhà nước, đặc biệt các cơ quan quản lý tài chính cần có chính sách đầu tư đúng mức kịp thời vì sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Vinh (thực hiện)


pBộ đội và nhân dân tập trung giữ tuyến đê Trung Tâm, xã Thông Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, bảo vệ hàng trăm hécta lúa vụ ba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN