Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Trương Văn Vở (ảnh) trao đổi với phóng viên báo Tin Tức bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII.
Tính đến hết năm 2012, diện tích cao su của cả nước đạt 915.000 ha, vượt xa con số 800.000 ha, là mốc trong Chiến lược phát triển cao su đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt. Ông Trương Văn Vở cho rằng, những dự án chuyển đổi đất rừng trồng cao su đã vượt quá quy hoạch. Việc chuyển đổi đất rừng trồng cao su đã bị lợi dụng và làm tràn lan.
“Thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung “tạm dừng cho phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên”. Tuy nhiên, hiện nay do công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng cao su trái pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Lộ trình, giải pháp cụ thể và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến đâu nhằm xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật và khắc phục thực trạng tình hình nêu trên?” - Ông Trương Văn Vở gửi phiếu chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên thăm mô hình cao su tiểu điền ở xã Thanh An huyện Điện Biên. Xuân Tiến |
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Trương Văn Vở, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương tổ chức, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các dự án phát triển sản xuất lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp (trong đó có dự án trồng cao su). Trong quá trình kiểm tra và rà soát các địa phương đã thu hồi 94 dự án (chiếm 11% dự án đã phê duyệt) do chậm tiến độ hoặc có sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai và tạm dừng 38 dự án theo Chỉ thị 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do chưa được phê duyệt hoặc đang trong quá trình khảo sát.
Không đồng tình với cách trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Trương Văn Vở khẳng định: Việc phát triển cây cao su quá nóng phá vỡ quy hoạch tại một số địa phương, có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Trong số 38 dự án trồng cao su như Bộ NN&PTNT nêu là “tạm dừng”, theo tôi phải dừng hẳn. Đúng ra hàng năm Chính phủ phải có báo cáo Quốc hội về tình hình sử dụng đất nói chung, trong đó có việc giữ diện tích đất lúa, đất rừng tự nhiên theo Nghị quyết của Quốc hội. Nhưng tôi không hiểu sao, tại kỳ họp này không thấy Chính phủ báo cáo trước Quốc hội..
“Tại kỳ họp này, chắc chắn tôi sẽ đưa vấn đề phát triển “nóng” diện tích trồng cao su trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên để đặt vấn đề với Chính phủ. Cần có giải pháp về vấn đề cây cao su gắn với vấn đề quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch quản lý sử dụng đất đai. Nếu diện tích trồng cây cao su vượt quy hoạch, Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát để xử lý vi phạm cho rõ ràng”, ông Trương Văn Vở kiến nghị.
Đồng quan điểm với đại biểu Trương Văn Vở, nhiều chuyên gia kinh tế cũng hoài nghi về lợi ích kinh tế mà cao su có thể mang lại, đặc biệt đối với những diện tích ở nơi có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng không phải tối ưu đối với việc phát triển cao su. Ông Trần Hữu Nghị, chuyên gia của tổ chức Forest Trends (tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về rừng) cho rằng, tại một số địa bàn vùng Tây Bắc, việc mở rộng diện tích cao su trên nền đất canh tác của các hộ gia đình nông dân đã làm mất đi nguồn sinh kế của họ và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của địa phương.
Phát triển cao su ồ ạt cũng tiềm ẩn rủi ro về thị trường. Giá xuất khẩu mủ cao su năm 2013 tụt giảm 50% so với mức giá năm 2012 làm những hộ dân sản xuất cao su đang rơi vào tình trạng thua lỗ. Đến nay, thị trường cao su thế giới lượng cung đã vượt cầu. Ông Vũ Long - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam nghi ngại, việc mở rộng diện tích cao su như hiện nay liệu có lặp lại kịch bản của sản xuất lúa gạo và cà phê. “Việc phá vỡ quy hoạch của Chính phủ như vậy ai chịu trách nhiệm, bây giờ thị trường cao su đã bão hòa”, ông Long băn khoăn.
Nguyễn Viết Tôn