* An Giang: Đến ngày 2/10, nhiều tuyến đê ở huyện Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới đã được khắc phục và địa phương còn huy động trên 38.000 chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên, sinh viên, Chữ thập đỏ, nông dân... tích cực chống lũ nhưng do mực nước lũ ngày càng cao và tiếp tục đổ về vùng Tứ Giác Long Xuyên nên thiệt hại do lũ ngày càng gia tăng.
Tính đến sáng ngày 2/10, ở tỉnh An Giang, lũ làm ngập 200 km lộ giao thông và 20.183 m2 đất bờ sông, cụm tuyến dân cư bị sạt lở cùng với các tuyến đê bị vỡ đã phát sinh nâng mức thiệt hại lên 13.656 căn nhà bị ngập, siêu vẹo do nước lũ, bị sạt lở và nằm trong khu vực đồng trống; cần phải di dời khẩn trương 708 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm và 94 căn nhà cần được kê kích. Lũ còn làm ngập 404 ao cá (trên 101 ha) gây mất trắng 10 tấn cá thịt và 3,347 triệu con cá giống; đồng thời, đến thời điểm này còn có trên 4.039 ha lúa và màu bị mất trắng.
Tỉnh tập trung mở rộng phạm vi 9/11 huyện, thị, thành phố tổ chức 44 điểm giữ trẻ cho nhân dân yên tâm mưu sinh trong mùa lũ; đồng thời huy động lực lượng gia cố, tôn cao 396 km đê bao ở các xã Đa Phước (huyện An Phú), Ô Long Vĩ, Bình Mỹ, Bình Long, Bình Phú, Mỹ Đức (Châu Phú), Vĩnh Hanh, Bình Hòa, Vĩnh Nhuận (Châu Thành).
* Đồng Tháp: Vào lúc 1 giờ sáng 2/10, tuyến đê bao bờ Nam kênh Bắc Viện thuộc ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp bị vỡ, nước lũ tràn vào gây mất trắng 415 ha lúa vụ thu đông. Số lúa này đang được 50 đến 65 ngày tuổi, chỉ còn khoảng một tháng nữa là cho thu hoạch nên ước tính gây thiệt hại khoảng hơn 16 tỷ đồng.
Đê vỡ khiến nhiều hộ nơi đây bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là 171 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo. Hiện chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đã giúp người dân chằng néo, kê kích nhà cửa, di dời đồ đạc, vật nuôi lên địa điểm an toàn.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Đồng Tháp cho biết: Toàn tỉnh có gần 7.000 km đường giao thông nước tràn qua gây sạt lở mái, hư mặt đường; trong đó, tuyến quốc lộ 0,6 km, tỉnh lộ 3,3 km, 24 cầu cống bị hư hỏng. Có 5.565 nhà dân bị ngập nước, di dời được 375 hộ, 54 nhà bị sập, cuốn trôi. Tin từ PCLB&TKCN tỉnh, đã phát hiện 1 xác chết trôi sông tại thủy phận ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự; nạn nhân là nam giới, khoảng 35 tuổi, chưa xác định danh tính. Như vậy, tại các huyện đầu nguồn, đã có ít nhất 2 trường hợp tử vong trong mùa lũ năm nay. Nhiều diện tích nông nghiệp bị mất trắng như lúa thu đông 720 ha; hoa màu 18 ha; thủy sản bị thiệt hại 370 ha. Vườn cây ăn trái bị ngập trên 1.000 ha (91 ha thiệt hại 100%); nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 169,5 ha...
Chính phủ vừa hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp 25 tỷ đồng để khắc phục mưa lũ; đồng thời, tỉnh cũng chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ, tập trung khắc phục thiên tai.
* Cà Mau: Trong ba ngày qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã được huy động để tham gia cứu đê biển Tây trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng do biển động mạnh và ảnh hưởng ba cơn bão liên tiếp diễn ra trong mấy ngày qua.
Tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau nối liền với tỉnh Kiên Giang có chiều dài gần 100 km, hầu như nơi nào cũng bị sạt lở nghiêm trọng; có đoạn nước biển đã tràn tới chân đê, nhiều đoạn đê hoàn toàn bị vỡ, nước mặn đã tràn vào ruộng hàng trăm mét.
Nhóm PV