Quyết định khó khăn
Áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với TP Hồ Chí Minh thực sự là một quyết định khó khăn, đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói khi đồng ý cho địa phương thực hiện Chỉ thị này. Không trăn trở sao được, khi TP Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ của Nam Bộ mà còn là “đầu tàu kinh tế” của cả nước. Mỗi quyết định liên quan đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống khoảng 10 triệu người dân Thành phố.
Còn nhớ, khi TP Hồ Chí Minh xuất hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên của đợt dịch thứ 4, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, lo lắng. Khi dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp hơn, Chính phủ liên tiếp triển khai các cuộc họp trực tuyến với Thành phố. Hầu như ngày nào, Thủ tướng Chính phủ cũng điện thoại trao đổi với lãnh đạo Thành phố về tình hình và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cùng các bộ, ngành Trung ương luôn sát cánh cùng Thành phố và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp, hướng dẫn và khẩn trương triển khai nhiều biện pháp dập dịch hiệu quả.
Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và chỉ đạo các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phối hợp, giúp Thành phố phòng, chống dịch. Cùng với đó, chỉ trong chưa đầy 1 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hai lần trực tiếp vào tận nơi đôn đốc, động viên, sát cánh cùng chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội.
Tại các cuộc họp, làm việc trực tiếp, trực tuyến hay thông qua các thông báo, kết luận, văn bản chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu khẩn trương tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và khẳng định dành ưu tiên cao nhất cho TP Hồ Chí Minh, với phương châm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Đặc biệt, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, quyết định cho Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ chi tiết cho từng bộ, ngành để cùng chính quyền, nhân dân Thành phố chống dịch. Thủ tướng không chỉ lo những vấn đề vĩ mô của Thành phố trong thực hiện “mục tiêu kép”, mà còn quan tâm, trăn trở tới từng mảnh đời cụ thể, nhất là người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và người yếu thế trong xã hội. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền bên cạnh việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, phải đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa để không một ai bị “đói cơm, thiếu áo”.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, khi thực hiện giãn cách xã hội, người dân Thành phố sẽ phải sinh hoạt tại nhà do đó hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở phải thường xuyên tiếp cận, quan tâm tới đời sống, tâm tư của người dân. Thủ tướng nhắc nhở phải đảm bảo đủ điện, nước cho người dân sinh hoạt. Các cơ quan thông tin đại chúng, nền tảng công nghệ tăng cường thời lượng các chương trình để người dân có thể giải trí tại nhà, tránh bức bách vì phải giãn cách xã hội, tránh tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”.
Cả nước vì Thành phố yêu thương
Thực hiện chỉ đạo, kêu gọi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “càng khó khăn, càng phải đoàn kết”, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã hướng về TP Hồ Chí Minh với tấm lòng nghĩa tình “Cả nước vì TP Hồ Chí Minh”. Như lời của Thủ tướng: “Thành phố gọi, chúng tôi trả lời”, các ngành Y tế, Quân đội, Công an, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đều nhanh chóng triển khai phương án hỗ trợ cần thiết cho TP Hồ Chí Minh trong dịp này. Những yêu cầu của Thành phố về máy móc, thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch đều được đáp ứng tối đa, nhất là việc ưu tiên cung cấp vaccine ngừa COVID-19 để tiêm phòng cho người dân. Bộ Y tế, các ngành Công an, Quân đội cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế giúp Thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch bệnh.
Nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Ngãi, Bến Tre... đã ủng hộ tiền góp phần cùng Thành phố chống dịch. Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Đắk Lắk, Quảng Bình đã gửi hàng chục tấn gạo, rau, củ quả, nước mắm, trứng gà, cá tươi… hỗ trợ người dân tại các khu cách ly, khu phong tỏa và những người gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Thật sự cảm động khi được chứng kiến những chuyến bay chở cán bộ, nhân viên y tế vào giúp Thành phố chống dịch. Từng chuyến xe chở nhu yếu phẩm, đưa những túi rau, túi thực phẩm gửi vào với những dòng chữ “Tiếp sức TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19”, “Rau sạch Đà Lạt gửi TP Hồ Chí Minh yêu thương”, “Quà quê Quảng Trị”… mang theo tấm lòng yêu thương, sẻ chia của người dân khắp mọi miền Tổ quốc dành cho Thành phố. Trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội tràn ngập những khung ảnh với câu “Sài Gòn ơi, cố lên” và đã có những ca khúc về những ngày Thành phố “chữa trị vết thương” nhanh chóng ra đời, cất lên.
Dịch bệnh sẽ được đẩy lùi
Đáp lại sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và tình cảm của nhân dân cả nước, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực hết mình trong “cuộc chiến” với dịch bệnh. Những ngày qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố đã vào cuộc quyết liệt và thần tốc triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, tinh thần “mỗi người dân là một “chiến sỹ”; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một “pháo đài” chống dịch”. Nhiều cán bộ của Thành phố đã hy sinh một phần thời gian bên gia đình để túc trực ngày/đêm phòng, chống dịch, có người làm việc 15-16 giờ/ngày, thậm chí có người nhiều ngày làm việc chưa về nhà, nhất là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như y tế, công an, lực lượng cán bộ cơ sở… Tất cả nhằm thực hiện mục tiêu là thần tốc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, chữa trị bệnh nhân, khẩn trương tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đồng thời ra quân đảm bảo an ninh, trật tự, giao thông thông suốt, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho đồng bào.
Những ngày giãn cách, người lao động nghèo ở Thành phố đã được chính quyền ưu tiên hỗ trợ tiền ăn hàng ngày để cùng vượt qua khó khăn, chống dịch bệnh. Trân trọng hơn, người dân Sài Gòn luôn mở lòng để giúp đỡ, dìu nhau vượt qua dịch bệnh. Trên địa bàn Thành phố, hàng trăm ký túc xá sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng đã sẵn sàng nhường chỗ, chuyển đổi công năng thành khu cách ly, khu thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Nhiều nhà sư, nghệ sĩ, những người có điều kiện hơn đã tổ chức những bữa ăn miễn phí, đưa những gói thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu đến tay những người còn thiếu thốn. Trên những con phố xuất hiện các “Siêu thị không đồng”, cây “ATM gạo”, rồi bảng thông báo giảm giá tiền nhà trọ, bảng “mến tặng cơm”, “thương mời”… Ngoài góp của, góp công hỗ trợ người lao động nghèo, nhiều nhóm thiện nguyện còn tự làm hàng trăm ngàn chiếc mũ chống giọt bắn để gửi tặng đội ngũ trên tuyến đầu phòng, chống dịch…
Hầu hết người dân Thành phố đều đồng tình, ủng hộ và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nhiều người bày tỏ may mắn và xúc động khi nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của chính quyền và cộng đồng. Dẫu ở đâu đó và với một ai đó vẫn chưa hài lòng hoặc còn băn khoăn về cách TP Hồ Chí Minh ứng phó với dịch bệnh hay chưa hài lòng về sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước dành cho Thành phố; song điều trên hết có thể cảm nhận được là Thành phố đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch; là sự quan tâm, thống nhất, đoàn kết một lòng để chiến thắng dịch bệnh. Mười lăm ngày giãn cách xã hội sẽ qua nhanh, với sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, chắc chắn dịch bệnh sẽ được đẩy lùi. Cuộc sống ở Thành phố sẽ sớm trở lại bình thường như vốn có.