Cà Mau: Nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19

Theo Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, số ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng trở lại từ những ngày cuối tháng 2 đến nay.

Tính riêng ngày 1/3, tỉnh ghi nhận hơn 1.300 ca mắc mới, nâng số ca mắc trong toàn tỉnh lên 63.529 ca, trong đó có 58.153 ca khỏi bệnh, 300 trường hợp tử vong nhưng phần lớn là người cao tuổi, có bệnh nền. 

Chú thích ảnh
Người dân Cà Mau tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh tư liệu). 

Tăng cường kiểm soát dịch

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao là do tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân dần trở lại trong điều kiện bình thường mới; nhất là hoạt động tập trung đông người, tổ chức đám tiệc, liên hoan... Bên cạnh đó, ý thức chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, kịp thời, còn buông lỏng.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, nhất là thực hiện tốt thông điệp 5K. Cán bộ, nhân dân không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 phải báo ngay cơ sở y tế để hướng dẫn cách ly, theo dõi, điều trị kịp thời; không tự ý sử dụng thuốc kháng virus khi chưa có hướng dẫn của cơ quan y tế.

Người dân tự test nhanh để kiểm tra sức khỏe, nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải gương mẫu, đi đầu trong công tác phòng, chống dịch; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đề nghị UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các hộ gia đình, nhất là các hộ có con em đi học, phải tự test nhanh (mẫu gộp) định kỳ 2 lần/tuần để kiểm tra sức khỏe vào ngày Chủ nhật và ngày giữa tuần; học sinh có kết quả test nhanh âm tính mới đến trường. 

Các địa phương sử dụng kinh phí từ Quỹ "Vì người nghèo", nguồn kinh phí vận động và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện test nhanh để phát hiện bệnh sớm và kịp thời cách ly, điều trị F0 theo quy định. Tuy nhiên, để kiểm soát việc tự test nhanh của người dân thì các địa phương cần phát huy thật tốt vai trò Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng trong việc giám sát, biết kết quả, thu khay test của các hộ gia đình để quản lý.

Nếu phát hiện F0 thì phải thực hiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định; trường hợp F1 thì thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà nhưng phải thường xuyên tự test nhanh để kiểm tra sức khỏe. Khi F0 trong gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính thì F1 mới trở lại sinh hoạt bình thường; trường hợp F0 chuyển nặng, báo cáo ngay cơ sở y tế để chuyển cơ sở điều trị theo quy định.

Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp khẩn trương chỉ đạo triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại nơi công tác, làm việc phải tự test nhanh định kỳ 2 lần/tuần nhằm kịp thời phát hiện trường hợp F0, F1 để điều trị, cách ly, theo dõi theo quy định.

Thực hiện tốt điều trị bệnh nhân và phòng dịch cho học sinh

Ngành Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 theo quy định; thực hiện tốt việc theo dõi, tư vấn, hỗ trợ điều trị F0; tiếp tục phát huy vai trò các Trạm Y tế lưu động trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Những địa phương có nhiều ca F0 sẽ tiếp tục sử dụng đội ngũ cộng tác viên trong việc hỗ trợ điều trị F0 như trước đây đã thực hiện, tránh để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi và hỗ trợ y tế kịp thời.

Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể, có hệ thống đến các Trạm Y tế phương pháp sử dụng thuốc điều trị dành cho người mắc COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng; tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, thuốc... để kịp thời điều trị, không để trường hợp chuyển nặng và tử vong.

Ngành Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương rà soát, nắm tình hình cung - cầu, quản lý giá thuốc, khẩu trang, bộ xét nghiệm, vật tư y tế, hóa chất... phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngành Y tế làm đầu mối liên hệ với các công ty sản xuất, nhà phân phối hoặc đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công Thương hỗ trợ, cung ứng đủ, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; khi có yêu cầu mua sắm phải thực hiện nhanh và đúng quy trình tự, thủ tục quy định để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch của tỉnh trong thời gian tới.

Đồng thời, ngành Y tế tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine mũi 2 và mũi 3 cho người dân từ 12 tuổi trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị các điều kiện cần thiết như lực lượng, phương tiện, hình thức tiêm, rà soát số lượng trẻ em.... để chủ động triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi được phân bổ nguồn vaccine từ Bộ Y tế. 

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Bậc Mầm non vẫn tiếp tục duy trì việc tổ chức dạy và học trực tiếp nhưng phải theo nhu cầu của phụ huynh, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch theo phương án có thể ghép nhiều lớp học có ít học sinh thành một lớp nhưng không tập trung quá đông học sinh; phụ huynh tự test nhanh cho các cháu theo quy định, nếu phát hiện học sinh F0 thì thực hiện cách ly, điều trị tại nhà.

Cấp Tiểu học và cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông vẫn tổ chức dạy và học trực tiếp nhưng phụ huynh phải tự test nhanh cho các em theo quy định. Những trường học, lớp học có học sinh là F0 thì thực hiện phương án vừa tổ chức dạy và học trực tiếp kết hợp với hình thức trực tuyến nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập. Các trường cũng cần linh hoạt tổ chức test nhanh ngẫu nhiên, nếu phát hiện trường hợp giáo viên, học sinh dương tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện cách ly, điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tin, ảnh: Kim Há (TTXVN)
Sơn La: Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Sơn La: Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

"Tiếp tục đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi thứ 2 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm tại Công văn số 657/UBND-KGVX về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được UBND tỉnh ban hành ngày 1/3. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN