Theo đó, tại bờ biển Tây, tình trạng sạt lở đang diễn ra nhanh, ở mức nguy hiểm, có nguy cơ phá vỡ đê biển và ảnh hưởng rất lớn khu dân cư ven đê với chiều dài 57.000 m, bắt đầu từ vàm Tiểu Dừa, huyện U Minh đến cửa sông Bảy Háp, huyện Phú Tân.
Đặc biệt, các đoạn từ Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh dài 25.000 m; từ Ba Tỉnh đến Mũi Tràm dài 17.000 m; Sông Đốc đến cửa Bảy Háp dài 15.000 m. Tại các vị trí sạt lở rất nguy hiểm này, đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, một số đoạn không còn rừng. Riêng đối với bờ biển Đông, qua khảo sát hiện có 48.000 m bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm và 24.500 m sạt lở ở mức độ rất nguy hiểm.
Khu dân cư ven sông Gành Hào, xã Tân Thuận (Cà Mau) đã trở nên hoang phế do bị sạt lở và thuỷ triều dâng. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN |
Hiện nay, do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường dâng cao làm cho bờ biển Đông bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều đoạn mất hết đai rừng phòng hộ và lở sâu vào đất liền từ 50 - 80 m trên đoạn bờ biển dài hơn 10.000 m. Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do tác động của dòng chảy ven bờ và thủy triều, đặc biệt là sóng to, gió lớn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn tỉnh có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở, xảy ra cả ven biển Đông và biển Tây. Bình quân sạt lở từ 20 - 25 m/năm ở bờ biển Tây, đặc biệt có những nơi lên đến 50 m/năm. Ở biển Đông, bình quân mỗi năm sạt lở từ 45 - 50 m. Trung bình mỗi năm, bờ biển của Cà Mau sạt lở khoảng 450 ha; nhiều đoạn sạt lở vào sát chân đê biển, đe dọa đến 100.000 ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân.
Thời gian qua, Cà Mau đã tập trung khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với tổng chiều dài 22.667 m và tổng mức đầu tư hơn 640 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng để khắc phục sạt lở đê biển với chiều dài 6.687 m.
Nhằm khắc phục sạt lở cũng như xây dựng những giải pháp trước mắt và lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, hiện tỉnh rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương để có thể thực hiện dự án xây dựng kè tạo bãi, trồng rừng phòng chống sạt lở bờ biển… với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng.
Theo ông Sử, nếu tuyến đê biển Đông được đầu tư xây dựng, ngoài việc bảo vệ dân cư, kết cấu hạ tầng, đường bờ biển còn có tác dụng như tuyến phòng thủ, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Tuyến đê biển còn là tuyến giao thông quan trọng khi cần thiết trong việc giữ liên lạc thông suốt giữa đất liền với các vùng hải đảo và là nơi bố trí chốt của các đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra canh gác.
Trước mắt, tỉnh Cà Mau cần hỗ trợ khẩn cấp 200 tỷ đồng để xây dựng các đoạn bờ biển sạt lở nhanh. Cụ thể là các đoạn: Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, chiều dài 1.000 m; Ô Rô, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, dài 2.000 m; Rạch Rốc, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, chiều dài 3.000 m; Hốc Năng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, dài 4.000 m.
Bên cạnh đó, với yêu cầu phải di dời gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao và cư dân bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu vùng ven sông, ven biển, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ cần thêm nguồn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng thực các dự án tái định cư, tạo sinh kế cho người dân…