UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo giải quyết vụ việc quyết liệt, tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật. Nhờ đó, kết quả bước đầu rất khả quan, nhiều hộ đã đồng ý với phương án bồi hoàn của cơ quan chức năng và cam kết không khiếu nại đòi lại đất lâm nghiệp mà Lâm ngư trường Sông Trẹm (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ) thu hồi từ năm 1996.
Đến nay, có 92 trong số 130 hộ dân đã chấp nhận bồi hoàn công chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng, công xử lý thực bì và đào kênh bằng thủ công. Theo đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ phối hợp UBND huyện U Minh đã hoàn tất thủ tục giao đất sản xuất cho 36 hộ gốc, với diện tích hơn 165 ha đất. Bước đầu có 30 hộ đã được huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Dư Bé Ba - Chủ tịch UBND huyện U Minh cho hay hiện có 38 hộ dân xã Khánh Thuận chưa chấp thuận phương án giải quyết bồi hoàn của tỉnh nên tiếp tục khiếu nại vượt cấp. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhận thức đúng về chủ trương, phương án bồi hoàn của tỉnh để giải quyết vụ việc đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, địa phương đang tiếp tục rà soát, xác minh nhằm nắm đầy đủ thông tin về nhân khẩu, hoàn cảnh cụ thể của từng hộ dân. Qua đó, kịp thời hỗ trợ những hộ dân đáp ứng đủ các điều kiện quy định trong thực hiện thủ tục bồi hoàn thành quả lao động hoặc giao nhận đất sản xuất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giúp các hộ dân ổn định cuộc sống, sản xuất.
Liên quan đến vụ việc trên, UBND tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức đối thoại với các hộ dân trên về việc khiếu nại đòi lại đất lâm nghiệp mà Lâm ngư trường Sông Trẹm thu hồi năm 1996. Đại diện cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương cho rằng, đây là vấn đề tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa người dân và doanh nghiệp, nếu giải quyết đúng quy định của pháp luật phải đưa ra tòa. Vụ việc xảy ra vào năm 1996, nhưng 16 năm sau, các hộ dân mới khiếu nại, lúc này thời hiệu khiếu nại vụ việc đã hết không thể giải quyết được.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã vận dụng nhiều giải pháp hỗ trợ để đảm bảo lợi ích cho các hộ dân. Song tại buổi đối thoại ngày 9/3, một số hộ dân ấp 19, 20 và 21 đặt vấn đề bồi thường không đúng quy định của pháp luật, yêu cầu giải quyết bồi thường vượt quá thẩm quyền của các cấp, các ngành địa phương.
Trên thực tế, phương án bồi hoàn của tỉnh phê duyệt đã tính toán theo hướng có lợi cho các hộ dân xã Khánh Thuận. Công sức quản lý và chăm sóc rừng được tính dựa trên lợi nhuận bình quân thu được sau khi khai thác rừng, tỷ lệ các hộ dân được hưởng theo hợp đồng với quy định hiện nay. Với cách tính này, người dân được hưởng 80%, còn Lâm ngư trường Sông Trẹm chỉ hưởng 20%; thay vì theo hợp đồng trước đây, người dân chỉ được hưởng 30%, còn Lâm ngư trường hưởng 70%.
Đối với việc bồi hoàn công xử lý thực bì và đào kênh bằng thủ công, Cà Mau khảo sát thực tế, tính toán và áp theo đơn giá hiện hành là 26.500 đồng/m3. Tổng kinh phí bồi hoàn trong việc Lâm ngư trường Sông Trẹm thu hồi đất của 130 hộ dân là hơn 4,1 tỷ đồng, được trích từ lợi nhuận của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ.
Năm 1993, Lâm ngư trường Sông Trẹm lập hợp đồng giao khoán trên 1.100 ha đất lâm nghiệp cho 130 hộ dân quản lý, bảo vệ rừng theo tuyến bờ bao (bình quân 10 ha/hộ, với 100 m ngang và 1.000 m dọc), thời hạn hợp đồng 20 năm. Khi khai thác, người dân nhận khoán được hưởng với tỷ lệ cao nhất là 30%, Lâm ngư trường Sông Trẹm hưởng thấp nhất 70%.
Tuy nhiên, đến năm 1996, Lâm ngư trường Sông Trẹm thu hồi lại 500m chiều dọc phần đất hậu của 130 hộ dân đang thực hiện hợp đồng giao khoán. Điều đáng nói, việc thu hồi của Ban Giám đốc Lâm ngư trường Sông Trẹm trước đây chưa có phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi thu hồi, Lâm ngư trường tiếp tục quản lý, sử dụng phần diện tích mới thu hồi và cho một số tổ chức, cá nhân khác thuê, hợp tác đầu tư.