Mới đây, trưa 20/1, một người dân huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) trong khi đi câu mực đã quay được cảnh một đàn cá heo khoảng 30 con nổi lên mặt nước biển. Anh Tuấn Anh, người đã quay được cảnh quay này cho biết: Vào khoảng 12 giờ ngày 20/1, khi đang đi câu mực ở cồn Phài, cách bờ biển thị trấn Cô Tô khoảng 2 - 3 km, anh đã gặp đàn cá heo khá đông nổi lên mặt nước và ngay lập tức ghi lại được cảnh tượng này.
Theo anh Tuấn Anh, thi thoảng đi câu mực, anh hay gặp cá heo nổi lên mặt nước, nhưng chỉ vài con. Tuy nhiên, lần này anh gặp được đàn cá heo đông nhất từ trước đến nay.
Giữa tháng 12/2023, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cô Tô trên đường tuần tra đã ghi lại được đoạn clip dài 35 giây về đàn cá voi xuất hiện ở phía Đông Nam đảo Cô Tô, cách bờ khoảng 6 hải lý. Trước đó, đàn cá đã xuất hiện tại khu vực hòn Đuôi Chuột, gần Cô Tô con và trên đường đến đảo Trần.
Vào tháng 7/2023, tại đảo Cô Tô, một đàn cá voi từ 4 - 5 con xuất hiện tại khu vực Hạ Mai đến Đầu Trâu. Đến cuối tháng 9/2023, cá voi lại tiếp tục kiếm ăn trong khoảng 1 giờ ở khu vực đảo Cô Tô.
Vào tháng 11/2022, tại khu vực gần cầu Cảng (bãi biển Nam Hải, khu 4, thị trấn Cô Tô), ngư dân đã phát hiện đàn cá heo bơi trong nhiều giờ.
Không chỉ có cá voi, cá heo, vào tháng 8/2022, tại bãi biển Đông (thuộc đảo Cô Tô con), một cá thể rùa biển quý, nặng khoảng 20 kg đã xuất hiện.
Từ nhiều năm nay, chính quyền huyện Cô Tô đang quyết liệt với công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, tài nguyên, hệ sinh thái biển, thu gom xử lý rác thải đại dương để hướng tới mục tiêu Cô Tô không rác thải nhựa, phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững.
Từ tháng 8/2022, Cô Tô đã tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi nilon và đồ nhựa một lần trên đảo, sau một năm thử nghiệm mang lại nhiều kết quả tích cực. Từ 15/9/2023, huyện Cô Tô cấm du khách mang đồ nhựa dùng một lần lên các đảo.
Để triển khai quy định này, Công an huyện Cô Tô và Bộ đội Biên phòng sẽ lập chốt kiểm soát tại cảng Cô Tô. Các đơn vị vận tải, tàu khách, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú vừa phổ biến quy định vừa thay thế đồ nhựa bằng các đồ có chất liệu thân thiện với môi trường.
Hoạt động này giúp nâng cao nhận thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ môi trường; thay đổi hành vi, thói quen trong việc quản lý, sử dụng rác thải nhựa. Hoạt động góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa việc phát sinh rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng trên địa bàn.
Riêng thị trấn Cô Tô thành lập 40 Tổ tự quản vệ sinh môi trường tại 4/4 khu dân cư, thứ 5 hằng tuần đều ra quân dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn. Trong năm 2023, thị trấn Cô Tô tổ chức 38 buổi ra quân dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển, các điểm công cộng trên địa bàn; tổ chức cho 100% tiểu thương ký bổ sung trong điều khoản hợp đồng hạn chế sử dụng túi nylon, chai nhựa dùng một lần…
Nhờ những cách làm trên, môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loại động vật quý hiếm như rùa biển, cá heo, cá voi xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng. Môi trường biển được tái sinh, nhiều rạn san hô bắt đầu sinh trưởng tốt.