C4E - “Nơi gặp gỡ của những người yêu môi trường”

Gần 5 năm nay, người dân Thủ đô cũng như một số tỉnh, thành trên cả nước đã quen thuộc với hình ảnh đoàn xe đạp mang theo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường hay màu áo xanh lá cây dọn vệ sinh tại các địa điểm công cộng. Đó là các thành viên của câu lạc bộ C4E, nơi quy tụ của những người yêu môi trường, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.

 

Xuất phát từ ý tưởng đạp xe


Câu lạc bộ (CLB) đạp xe vì môi trường (viết tắt là C4E) ra đời từ hoạt động đạp xe tình nguyện truyền thông về môi trường, diễn ra từ giữa tháng 9/2007. Đúng như tên gọi của CLB, C4E có hoạt động chính là đạp xe. Xe đạp được chọn là phương tiện đi lại trong thành phố, thay thế cho việc đi xe máy, ô tô để hạn chế thải khói làm ô nhiễm môi trường là thông điệp mà C4E muốn truyền tải đến người dân.


 

Bác Hà Đăng Tạo, “chuyên gia” sửa xe của đoàn đạp xe xuyên Việt các năm 2008, 2009. Ảnh: Hoàng Dương

 

“Mẹ đẻ” của ý tưởng thành lập một CLB đạp xe tình nguyện vì môi trường là chị Đặng Hương Giang, khi đó còn là sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Chia sẻ về khó khăn trong thời gian đầu, chị Giang nói: “Có ý tưởng rồi nhưng biến nó thành hiện thực không phải dễ. Hàng ngày, đi làm cũng như đi chơi, mình luôn đạp xe, mang theo khẩu hiệu bảo vệ môi trường đi trên đường phố Hà Nội. Lúc đầu nhiều người thấy lạ và thắc mắc về hành động “kì quặc” này. Nhưng dần dần người ta cũng để ý hơn và mình đã gặp những người cùng ý tưởng để tập hợp thành CLB C4E”.


Sau khi thành lập, C4E nhận được sự hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình của các tình nguyện viên. Không phân biệt độ tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, giới tính, mọi người đến với C4E vì tình yêu chung dành cho môi trường. Từ cụ già hơn 70 tuổi đến các em THPT, từ những người ở cách trung tâm Hà Nội 20 km đến những người nước ngoài đang sinh sống, học tập tại Hà Nội đều tham gia rất nhiệt tình.


Anh Đoàn Việt Tiến, chủ nhiệm CLB C4E từ những ngày đầu thành lập, cho biết: “Hoạt động chủ đạo của C4E là đạp xe vòng quanh khu vực nội thành Hà Nội, dọn vệ sinh tại các nơi công cộng, di tích lịch sử như hồ Ngọc Khánh, Hồ Gươm, tượng đài Lý Thái Tổ… Ngoài ra C4E còn tổ chức các buổi đối thoại xanh, du lịch xanh với những chủ đề liên quan đến môi trường để các thành viên có thể giao lưu, trao đổi kiến thức với nhau”.

 

Điểm nhấn là đạp xe xuyên Việt


Một trong những hoạt động của C4E không thể không nhắc đến là hoạt động đạp xe xuyên Việt, bởi đó là một hoạt động tạo nên “thương hiệu” C4E. Tính đến nay, C4E đã tổ chức thành công 4 chuyến đạp xe xuyên Việt, để lại dấu ấn khó phai trong lòng những người yêu môi trường. Đạp xe xuyên Việt, mỗi năm có một chủ đề khác nhau, không đơn thuần chỉ là hoạt động đạp xe mà đó là một “tổ hợp” nhiều hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường trên quy mô cả nước.


 

Đoàn đạp xe xuyên Việt năm 2011 vận động người dân chợ Đồng Hới, Quảng Bình kí tên cam kết bảo vệ môi trường. Ảnh: C4E

 

Năm 2008, lần đầu tiên tổ chức xuyên Việt, C4E gặp rất nhiều khó khăn. Anh Đoàn Việt Tiến cho biết: “Chúng tôi phải chuẩn bị khá nhiều giấy tờ cho đoàn: Từ giấy giới thiệu, hồ sơ xin tài trợ, giấy xin phép các Bộ Công An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường… Chưa kể, đoàn đông người, mỗi người một ý. Không lẽ chương trình đầy ý nghĩa này đổ bể chỉ vì những khó khăn như vậy”.


Dù khó khăn nhưng Ban tổ chức mà nòng cốt là anh Tiến, chị Giang vẫn quyết chí làm. Trong quá trình thực hiện, C4E nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm từ cộng đồng, những người đã từng tham gia các chương trình tương tự và đặc biệt là sự bảo trợ của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Năm 2008 có 28 thành viên thì có tới một nửa trong số đó là người cao tuổi. Có bác đã trên dưới 70 tuổi vẫn tham gia cùng các cháu sinh viên, bởi các bác quan niệm: Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của mọi người.


Bác Hà Đăng Tạo, người được các bạn trẻ trong đoàn gọi thân mật là “bố Tạo”, chia sẻ: “Mỗi thành viên tham gia đoàn đạp xe đều có một vai trò để góp phần vào thành công chung của cả đoàn. Người thì truyền thông, người lo hậu cần, người phụ trách y tế. Còn tôi có chút kinh nghiệm từ thời công nhân cơ khí nên lo khoản sửa chữa xe cho mọi người”. Có những lúc nhận được tin phía sau có người hỏng xe, bác không quản đạp xe ngược lại cả chục km để sửa xe rồi lại đạp đuổi theo đoàn.

"Buổi hội quân của đoàn đạp xe xuyên Việt 2009 tại Huế".


Năm 2009, bác Tạo cùng với một số người cao tuổi khác tiếp tục hành trình đạp xe cùng C4E. Năm 2009 đoàn không đi theo quốc lộ 1A như năm 2008, mà hành trình theo dãy Trường Sơn nhân kỉ niệm 50 năm ngày mở con đường huyền thoại này. Chương trình tiếp tục nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các tình nguyện viên.


Hành trình lần này có phần vất vả hơn hành trình trước do đường Trường Sơn lắm núi, nhiều đèo. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn không ngăn được bước của các thành viên trong đoàn. Không chỉ đạp xe, “Hành trình theo dãy Trường Sơn” năm 2009 còn kết hợp với nhiều hoạt động khác, trong đó có dọn vệ sinh và phát tờ rơi tuyên truyền bảo vệ môi trường, không giết hại động vật hoang dã tại thị trấn Ngọc Lặc (Thanh Hóa), chợ Vũ Quang (Hà Tĩnh); giao lưu, trao quà từ thiện tại xã Tà Rụt (huyện Đắkrông, Quảng Trị) và huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), vận động người dân tham gia ký tên và cùng cam kết tham gia bảo vệ môi trường với các hành động cụ thể: Bỏ rác vào thùng, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm điện nước…


Bạn Hoàng Nam, thành viên C4E 2 năm liền tham gia xuyên Việt, chia sẻ: “Những ngày đạp xe đầu tiên, chân nhức, tay mỏi, đầu đau. Có lúc, sự mệt mỏi kéo đến lấn át sự quyết tâm khiến mình nản! Nhưng được bác Ngô Vi Thọ động viên: Nếu vượt qua được tuần đầu thì có thể đi thành công. Từ đó mình có thêm ý chí để đạp xe đến hết hành trình”.


Tiếp nối thành công của hai mùa xuyên Việt 2008, 2009, C4E đã tổ chức chương trình đạp xe 2010 với chủ đề “Bảo tồn di sản trong thời kì biến đổi khí hậu” với hành trình đạp xe từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Năm 2011, với chủ đề “Tiếng nói thanh niên: Hãy bảo vệ rừng”, các bạn thanh niên từ hai đầu đất nước đã cùng đạp xe và gặp nhau ở TP Huế xinh đẹp. Mỗi hành trình thành công ấy đã có tác động không nhỏ tới ý thức bảo vệ môi trường của người dân cả nước, cổ vũ tinh thần cho ban chủ nhiệm C4E cũng như các thành viên khác của CLB tiếp tục có những hoạt động thiết thực vì môi trường.

 

Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN