Đó là bệnh nhân nam có tên N.V.V, 50 tuổi, trú tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) là bố đẻ của bệnh nhân N.T.D (một trong 8 người đi từ Vũ Hán, Trung Quốc về đã được báo cáo trước đây), nâng tổng số người mắc trên toàn quốc lên 16 trường hợp mắc.
Trong số những trường hợp mắc COVID-19 đã có 7 trường hợp điều trị khỏi. Số xét nghiệm âm tính có 871 trường hợp; số trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) là 82 người tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chế để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, có 602 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho, nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm COVID-19.
Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc sử dụng ứng dụng “sức khỏe Việt Nam” trên thiết bị di động để người dân kịp thời cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và cung cấp thông tin liên quan tới nguy cơ và tình trạng nhiễm COVID -19. Đồng thời hỗ trợ các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, thành phố tiếp nhận, xử lý thông tin, đánh giá nguy cơ lây nhiễm đối với các ca bệnh nghi ngờ.
Trước tình hình COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã cử Tổ công tác thường trực 24/7 phòng chống dịch hỗ trợ Vĩnh Phúc vật tư, hóa chất phòng chống dịch. Đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương, ngành y tế tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế với chủ trương đáp ứng ở mức độ cao nhất, khống chế nhanh và hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh tới an sinh xã hội của địa phương.
Theo Bộ Y tế, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ghi nhận trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng với 11 trường hợp. Ngay trong ngày 13/2, bệnh nhân N.V.V ở cùng nhà với bệnh nhân D trong thời gian bệnh nhân D trở về Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc đến lúc được nhập viện cách ly. Mẹ và em gái của bệnh nhân D cũng đã được xác định mắc COVID-19 và đang được điều trị tại cơ sở y tế. Như vậy, trong gia đình bệnh nhân V có 4 người thì 3 người dương tính với COVID-19, bao gồm vợ và 2 con gái đã đều bị mắc bệnh (đã báo cáo).
Sau khi xác định vợ và 2 con gái bệnh nhân bị mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa bệnh nhân V vào danh sách người tiếp xúc gần, được cách ly và theo dõi sức khỏe hằng ngày. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tuy nhiên, ngày 11/2, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thoáng qua, được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Hiện tại, bệnh nhân V đang được cách ly tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/2 Đoàn kiểm tra của Tổng cục QLTT phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra xưởng sản xuất khẩu trang y tế bằng giấy vệ sinh của Công ty TNHH Việt Hàn, trụ sở tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội. Lực lượng QLTT đã phát hiện các loại khẩu trang y tế do xưởng này sản xuất được dùng nguyên liệu là các cuộn gấy to mềm, loại dùng làm giấy vệ sinh. Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Việt Hàn không đăng ký ngành nghề kinh doanh là thiết bị y tế, khẩu trang y tế.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số khẩu trang này để điều tra làm rõ để xử lý theo quy định. Tổng cục QLTT cũng đã có kết quả giám định chất lượng của lô hàng 143.000 chiếc khẩu trang trị giá hơn 1 tỷ đồng tịch thu vào ngày 11/2. Trước đó, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C - 939.89 đang dừng đỗ trước cửa nhà 69 Hồ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 2.863 hộp khẩu trang của 18 loại, tương đương 143.000 chiếc. Trong đó, có 1 loại khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp không thể hiện thông tin địa chỉ nhà sản xuất gồm 449 hộp, mỗi hộp 50 chiếc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã có văn bản yêu cầu các trường tăng cường biện pháp phòng, chống COVID-19 khi học sinh, sinh viên đi học trở lại. Sau khi tham khảo ý kiến về mặt chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường nhân lực y tế cho trường học; bố trí đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo đến từng nhà trường trước, trong và sau khi học sinh trở lại trường.
Đối với các địa phương không có dịch, có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh (nước sạch và xà phòng); hướng dẫn học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm. Không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm. Tổ chức chào cờ tại lớp học. Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường, cha mẹ học sinh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết.
Cũng trong ngày 13/2, tại sân bay quốc tế Nội Bài, ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen cho tổ bay Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay đến, đi từ Vũ Hán vào ngày 9/2 và 10/2 vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 gây ra, các thành viên Ban Chỉ đạo; biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, các y bác sĩ, ý thức tham gia phòng chống dịch với trách nhiệm rất cao của mỗi người dân. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu là phải quyết tâm ngăn chặn bằng được dịch bệnh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, cố gắng không để có trường hợp tử vong vì dịch bệnh.