Thời điểm này, người dân Quảng Bình đang chấp hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 15/CT-TTg của Chính phủ, đảm bảo an toàn trước đại dịch COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của thiên tai và dịch bệnh, để giúp nhân dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phòng tránh thiệt hại do mưa, bão gây ra, các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Quảng Bình đóng quân tại các khu vực biên giới biển, đất liền của tỉnh đang ngày đêm nỗ lực, bám sát địa bàn và tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ đồng bào nhân dân.
Chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ
Đồn Biên phòng Ra Mai, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình có nhiệm vụ quản lý 26,485 km đường biên giới, phụ trách địa bàn hai xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) và xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) với 28 thôn, bản. Với đặc thù địa bàn biên giới, vùng núi, đồng bào dân cư ở đây chủ yếu là người dân tộc Khùa, Chứt..., đời sống gặp nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt là vào mùa mưa, bão, lũ lụt, địa bàn này thường bị nước lũ dâng cao gây chia cắt, cô lập. Nhằm chủ động phòng tránh bão số 5 đang tiến vào đất liền, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai đã chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ, đồng hành cùng người dân trong thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch COVID-19 vừa phòng, chống cơn bão số 5.
Thượng tá Phạm Minh Dũng, Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, đơn vị đã họp, xây dựng kế hoạch và khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng tránh. Đơn vị đã quán triệt các nội dung, nhiệm vụ đến từng cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị; bố trí, sắp xếp các tổ bám sát và nắm chắc địa bàn hỗ trợ nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa, chặt tỉa cây xanh và thu hoạch hoa màu đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, đơn vị cũng đã tiến hành rà soát và nắm danh sách hơn 130 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã mà đơn vị phụ trách nằm trong khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, vùng nguy hiểm; tham mưu và phối hợp cùng với địa phương có phương án sơ tán, di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi bão đổ bộ và mưa lớn để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Cùng với đó, đơn vị cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh và thiên tai; cắt cử cán bộ tham gia nắm tình hình tại địa bàn có dịch COVID-19 ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa; kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng phong tỏa, giãn cách. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã chủ động lương thực, thực phẩm, thuốc men... để hỗ trợ nhân dân trên địa bàn khi xảy ra chia cắt, cô lập do mưa lũ.
Ông Hồ Xu, Trưởng bản Ka Ing, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho hay: "Mặc dù mưa to, gió lớn nhưng các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai nhiệt tình, sẵn sàng đến hỗ trợ, giúp đỡ người dân phòng bão, gia cố nhà cửa, chuồng trại vật nuôi an toàn. Cán bộ Biên phòng cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID; đồng thời không được ra sông, suối, ngầm tràn để xúc cá, vớt củi khi mưa to gió lớn, nước lũ dâng để đảm bảo an toàn tính mạng".
Ông Hồ Thông, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình bày tỏ: "Nghe thông tin bão số 5 đang đổ bộ vào đất liền, những ngày trước bà con rất lo lắng vì lúa chưa thu hoạch xong. May mà các chú Bộ đội Biên phòng tới hỗ trợ tham gia thu hoạch lúa giúp nhân dân trong bản. Nhờ có sự giúp sức của các chú bộ đội và các lực lượng mà vụ lúa Hè Thu này gia đình chúng tôi đã thu hoạch xong, thóc được gói gọn vào từng bao và chuyển về nhà an toàn. Người dân vùng biên giới, miền núi chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các chú Bộ đội Biên phòng đồng hành nên rất yên tâm".
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn
Ở khu vực biên giới biển, các Đồn Biên phòng tuyến biển của tỉnh Quảng Bình như: Nhật Lệ, Lý Hòa, Roòn, Cảng Gianh cũng khẩn trương, chủ động triển khai các công tác phòng, chống mưa bão. Các đơn vị giữ thông tin liên lạc thường xuyên và cập nhật tình hình diễn biến mưa bão đến với người dân; phối hợp với địa phương, Ban quản lý khu neo đậu, cảng cá sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền vào neo đậu; nắm chắc số lượng các hộ, khẩu để dự kiến di dời, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nước biển dâng cao, lũ quét, sạt lở đất... Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục tiến hành bắn pháo hiệu báo bão tại 3 điểm gồm Cửa Roòn, Cảng Gianh và Nhật Lệ để ngư dân biết; duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục ảnh hưởng mưa bão khi có tình huống xảy ra.
Các Đồn Biên phòng cũng bố trí lực lượng tham gia nắm tình hình tại các tổ, chốt kiểm soát dịch ở các vùng phong tỏa, giãn cách phòng, chống dịch COVID-19. Đơn vị cũng tạo điều kiện thông chốt cho các ngư dân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định khi di chuyển từ vùng dịch đến khu vực âu thuyền, bến, cảng nhằm bảo vệ tàu cá neo đậu tại các khu vực trên.
Thiếu tá Phạm Tiến Luật, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhật Lệ (Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5 nên địa bàn xảy ra mưa to trên diện rộng. Để góp phần bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân khi thiên tai xảy ra, đơn vị đã tổ chức vận động, tuyên truyền lưu động trên các khu vực bến cảng, khu neo đậu, cửa biển... để người dân nắm tình hình và di chuyển tàu, thuyền đến nơi neo đậu an toàn; không chủ quan, lơ là trước ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Hơn 1.000 tàu, thuyền, xuồng nan đã được đơn vị vận động, hướng dẫn, đưa vào nơi tránh trú và kéo lên bờ. Ngoài ra, nhằm san sẻ khó khăn với nhân dân khu vực phong tỏa, giãn cách, Đồn cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các mạnh thường quân trao tặng các phần quà thiết thực, ý nghĩa; hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu giúp nhân dân và khu cách ly y tế chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Sau khi thực hiện việc test nhanh COVID-19 và thực hiện xét nghiệm PCR đảm bảo yêu cầu, ngư dân Hồ Đăng Toàn, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cùng với những ngư dân khác trên địa bàn xã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cá nhân, khẩu trang, xịt khuẩn, lương thực, thực phẩm mang theo để di chuyển đến khu neo đậu tàu cá, tham gia bảo vệ tài sản của gia đình và của nhân dân ở địa phương. Anh Toàn và các ngư dân ở đây còn được chính quyền xã bố trí sắp xếp xe chở đến tận khu vực neo đậu tàu cá ở thành phố Đồng Hới - nơi tàu đánh cá của anh Toàn neo đậu suốt 14 ngày qua.
Ngư dân Hồ Đăng Toàn bày tỏ: "Mưa bão sắp đổ bộ đúng lúc địa phương chúng tôi là "vùng đỏ" về dịch COVID-19 của tỉnh với số ca F0 lớn. Người dân đang chấp hành Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng, chống dịch bệnh. Trong thời điểm dịch dã diễn biến phức tạp như hiện nay, việc người dân di chuyển ra khỏi vùng dịch là rất khó khăn. Nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện kịp thời của chính quyền các cấp và các lực lượng, đơn vị chức năng, các chủ tàu như chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời trong việc thông chốt để đến khu neo, đậu tàu cá tham gia bảo vệ tài sản phương tiện đánh bắt khi mưa bão cận kề. Chúng tôi rất cảm ơn vì chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị chức năng đã luôn đồng hành, giúp đỡ, nhất là trong thời điểm người dân gặp khó khăn, hoạn nạn như lúc này".