Là một địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời điểm này, TP Hồ Chí Minh xác định hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng, chống dịch.
Các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã kịp thời thông tin đến người dân về những biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch cùng với các giải pháp quan tâm chăm lo, đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhằm khống chế dịch bệnh.
Cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dịch bệnh tại các địa phương như Bình Dương, Long An, Tiền Giang cũng đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, từ 0 giờ ngày 8/7 cho đến khi có thông báo mới, một số địa phương ở tỉnh Long An như thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. UBND tỉnh Long An yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m trong giao tiếp. Tỉnh tạm dừng các hoạt động trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh những hàng hóa dịch vụ thiết yếu và hoạt động sản xuất của các nhà máy trong hoặc ngoài cụm, khu công nghiệp.
Còn với tỉnh Bình Dương, cùng với việc tăng cường các biện pháp khống chế dịch COVID-19, giúp người dân nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan tình hình dịch bệnh và các quy định cần thực hiện, Bình Dương vừa đưa vào hoạt động bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 ở tỉnh. UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập bổ sung một số khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại một số địa bàn như thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng.
Có thể thấy, tại nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hàng loạt biện pháp quyết liệt, khẩn trương, nhằm nhanh chóng kiềm chế và đẩy lùi dịch COVID-19 đang được triển khai. Vì vậy, đối với mỗi người dân lúc này, hiểu rõ, bình tĩnh và tin tưởng vào các biện pháp chống dịch mà các cấp, các ngành đã và đang nỗ lực thực hiện là rất cần thiết.
Hơn lúc nào hết, mỗi người ở vùng dịch diễn biến phức tạp cần tiếp tục chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Đừng vì lo lắng mà vội vã đổ xô đến các chợ truyền thống hay siêu thị để mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ cho những ngày giãn cách dẫn đến tình trạng tập trung đông người tại nơi mua sắm vào cùng một thời điểm, rất dễ lây lan dịch bệnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch diễn biến khó lường, việc đi lại, giao tiếp trực tiếp cần hạn chế tối đa; tìm hiểu các thông tin qua các trang mạng xã hội, các phương tiện thông tin là cần thiết. Mỗi cá nhân cần cẩn trọng, tỉnh táo chắt lọc, tiếp nhận thông tin chính thống, không để những thông tin không đúng sự thật, những “lập luận, phân tích” mang ý đồ xấu dẫn đến hoang mang và làm cho công tác tuyên truyền, phòng chống dịch của các cơ quan chức năng thêm phần khó khăn.
Chấp hành thật nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng dịch, không hoang mang hay hoài nghi, sẵn sàng chia sẻ vượt qua khó khăn, tạo cho bản thân sự thích ứng cần thiết, mỗi người dân sẽ chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.