Sau nhiều năm làm công tác nghiên cứu dệt may, chị Trần Thị Mỹ Hải (TP Hà Nội) quyết định khởi nghiệp, những ngày đầu tháng 8/2023, chị đi khắp các nhà máy trên cả nước để nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất xơ, sợi từ các loại phế phẩm nông nghiệp, từ cây tre…
Khi thử nghiệm trên lá dứa, chị đã thành công tạo ra xơ, sợi chất lượng, chị bắt đầu tạo ra những sản phẩm đầu tiên như: áo dài, khăn, tất chân… Chị “khoe” phóng viên chiếc áo dài chị mặc tại chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” được làm từ xơ, sợi lá dứa, trong niềm vui hạnh phúc.
Điểm đặc biệt trong dự án khởi nghiệp của chị Hải, đó là sản xuất xơ dứa thô không cần dùng nước, điều này vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường. Đây là điều hiếm có trong ngành dệt may hiện nay. Tại cuộc thi khởi nghiệp, nhiều chuyên gia bày tỏ sự ngạc nhiên trước dự án “khởi nghiệp xanh” của chị Hải, nhưng khi đến nơi sản xuất, khám phá từng công đoạn, mọi người đều dành lời khen cho ý tưởng và tiềm năng của dự án.
Nói về những khó khăn khi khởi nghiệp, chị cho biết, tìm kiếm được máy móc, thiết bị phù hợp là bài toán khó. Bởi để sản xuất xơ, sợi từ lá dứa đòi hỏi những dây chuyền sản xuất riêng biệt, dây chuyền thông thường năng suất kém hơn, hao hụt nhiều… Nhận biết vấn đề ở đâu, chị quyết đoán, nhanh chóng xử lý, chị bắt tay nghiên cứu dây chuyền dành riêng cho lá dứa…
“Chúng tôi đã bố trí, thiết kế thành công máy sản xuất xơ thô với năng suất cao, đặc biệt phù hợp với nữ giới, hiện nay tại Việt Nam chưa có đơn vị nào làm được. Bởi phần lớn máy móc phù hợp với thể chất của nam giới… Khi nhà máy, dây chuyền mới đi vào hoạt động, tôi sẽ phân tách trên lá chuối. Tôi đã thử nghiệm xơ chuối, nhưng muốn đạt hiệu quả cao phải thao tác trên dây chuyền riêng… Chúng tôi kỳ vọng sẽ triển khai rộng rãi được trên 52.000 ha dứa tại Việt Nam và tạo việc làm cho khoảng 16.500 nhân công nữ trên toàn quốc”, chị Mỹ Hải bày tỏ.
Trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2024, chị có cơ hội gặp gỡ, giao lưu cùng nhiều chị em từ khắp nơi trên cả nước. Thông qua trò chuyện, chị đã nắm bắt được những tâm tư, khó khăn của các chị em, đặc biệt các chị em vùng núi. Chị nảy ý tưởng, mang dự án của mình đến nhiều địa phương, phối hợp những phương pháp, cách làm hay để cùng nâng cao năng suất công việc, cải thiện cuộc sống cho bà con.
“Tôi có lời hứa với chị em tại hợp tác xã Lanh Trắng, tỉnh Hà Giang, trong thời gian tới chúng tôi sẽ trang bị thiết bị, dây chuyền sản xuất và phân tách lanh thô... Khi đó, bà con sẽ có sợi chất lượng, có thể dệt trên máy móc hiện đại, vẽ lên vải những hoa văn, hoạ tiết bằng sáp ong… Tôi hy vọng sẽ nâng cao năng suất công việc, rút ngắn thời gian lao động và cải thiện thu nhập cho bà con nơi đây”, chị Trần Thị Mỹ Hải nêu ý tưởng.