Bệnh viêm da ở Quảng Ngãi không phải bệnh lạ, có thể chữa khỏi

Bộ Y tế tập trung tìm nguyên nhân gây bệnh

Trong số 26 mẫu máu lấy từ bệnh nhân viêm da Quảng Ngãi có đến 14 mẫu dương tính với virút Ricketsia, gây bệnh sốt mò. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế virút này không phải căn nguyên gây bệnh. PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương trao đổi với phóng viên Báo Tin tức xung quanh căn bệnh này.

´Ông đánh giá tình hình “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi hiện nay như thế nào?

Trước hết, tôi phải khẳng định đây không phải là “bệnh lạ” vì chúng ta đã có phác đồ điều trị và điều trị khỏi được. Người dân gọi là “bệnh lạ” chỉ vì từ trước tới nay căn bệnh này mới chỉ xuất hiện ở Quảng Ngãi. Trong một cuộc họp cuối tuần trước, Hội đồng khoa học của Bộ đã thống nhất gọi là hội chứng viêm da ở bàn tay, bàn chân có tăng men gan.

Bệnh có tính chất dịch tễ do sự lây lan bệnh nhân. Sau 1 năm xuất hiện ca bệnh đầu tiên, đến nay đã ghi nhận 164 ca mắc, trong đó 8 trường hợp tử vong. Bệnh từ 1 làng lan ra 4 làng, từ 1 xã lan rộng ra 4 xã. Trong đó, gia đình có số mắc nhiều nhất là 6 người. Bệnh nhân đều chung triệu chứng dầy sừng, nứt nẻ tại các bàn tay và bàn chân. Thời gian xuất hiện từng đợt từ 40 - 50 bệnh nhân và khoảng vài tháng lại rộ lên bệnh nhân. Điều đáng lưu ý là những bệnh nhân này đều có chỉ số men gan tăng. Có bệnh nhân tăng 4 - 5 lần, nhưng cũng có bệnh nhân tăng gấp 10 - 20 lần mức bình thường. Bệnh xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có độ tuổi từ 15 - 29.

Bệnh cũng không quá khó điều trị. Bằng chứng là 5 bệnh nhân ở Quảng Ngãi chuyển ra Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị theo phác đồ bôi kem bong da, bạt sừng đã khỏi hoàn toàn. Với các bệnh nhân có triệu chứng men gan cao cần cho nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng và uống thuốc bổ gan dưới sự điều trị của bác sĩ.

´Hơn 50% mẫu máu của bệnh nhân mắc bệnh da ở Quảng Ngãi dương tính với virút gây bệnh sốt mò. Vậy theo ông, đây có phải là căn nguyên của căn bệnh này?

Đây là thông tin ban đầu để các nhà khoa học tham khảo, nó chỉ là một trong những tác nhân gây bệnh nhưng không phải là nguyên nhân gây bệnh. Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để kết luận sơ bộ về nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân gây bệnh cũng như đường lây truyền bệnh hiện vẫn chưa rõ. Theo tính chất dịch tễ thì không có bằng chứng của sự lây từ người này qua người khác. Hiện, chỉ ghi nhận nguyên nhân nhiễm bệnh là do tiếp xúc phần da hở.

´Theo như ông đánh giá, bệnh không quá khó để điều trị, vậy tại sao số ca tử vong vẫn tiếp tục tăng?

Trong số 164 bệnh nhân thì đa số đã điều trị khỏi bệnh, trong đó có một số đang điều trị ở tuyến tỉnh, đặc biệt có 3 bệnh nhân nặng nhưng tiên lượng đã khả quan. Thực chất những trường hợp nhẹ và vừa có thể điều trị khỏi, trong khi đó những ca nặng, rối loạn chức năng gan, tim, phổi, điều trị rất khó. Thực tế, những ca tử vong trong thời gian qua là những ca nặng, có kèm theo một số yếu tố như: suy dinh dưỡng, suy kiệt miễn dịch, nhiễm trùng…, suy đa phủ tạng, đặc biệt là gan.

´Được biết, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành phác đồ điều trị mới đối với căn bệnh này. Vậy phác đồ lần này có điểm gì khác biệt so với phác đồ lần 1?

Việc ban hành phác đồ điều trị lần 2 thực chất là nhắc lại, về cơ bản hướng điều trị vẫn như phác đồ lần 1. Tuy nhiên lần này có một số điểm mới như trong trường hợp bệnh nhân có tiên lượng nặng hơn thì phải chuyển đến khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc trung ương để xử lý.

Phác đồ Bộ Y tế xây dựng dựa trên những điều tra dịch tễ và những xét nghiệm ban đầu. Còn hiện nay chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ra bệnh này. Các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm phải 1- 2 tuần nữa mới có kết quả. Ví dụ phải xác định chính xác trong máu có chất độc gì không? Trong đất hay nước có chất độc như thế nào mới có thể kết luận được nguyên nhân gây bệnh.

´Xin ông cho biết những hoạt động của ngành trong thời gian tới để hạn chế sự lây lan của bệnh cũng như số ca tử vong?

Điều quan trọng trước tiên mà ngành y tế phải làm là làm sao để người dân hiểu được đây không phải là bệnh lạ, bệnh này hoàn toàn chẩn đoán được dựa trên triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và điều trị khỏi. Việc tuyên truyền sẽ giúp người dân hiểu, không hoang mang, khi có triệu chứng sớm như trên tay, chân có thể xuất hiện mảng da đỏ, viêm, dày sừng, ngứa, nứt nẻ… Khi có một số triệu chứng kèm theo như sốt, mệt mỏi hoặc biếng ăn thì cần đến ngay cơ sở y tế điều trị để tránh biến chứng.

Bên cạnh đó cũng cần cải thiện tình trạng môi truờng vệ sinh, hàng tuần phải làm vệ sinh phun thuốc. Một điều cũng quan trọng không kém là nâng cao đời sống, sức khỏe, dinh dưỡng cho bệnh nhân bằng cách phát thuốc miễn phí các loại vitamin… để tăng cường sức đề kháng.

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung làm các xét nghiệm để xem giữa các biểu hiện trên bàn tay, bàn chân và tăng men gan thì cái nào có trước, cái nào có sau hoặc cả hai cùng đồng thời có. Nếu tìm được căn nguyên thì mới đưa ra khuyến cáo cụ thể, mới phòng được bệnh.

Châu Anh

Bệnh viêm da  tại Quảng Ngãi: Bước đầu xác định là do virút Rícketsia
Bệnh viêm da tại Quảng Ngãi: Bước đầu xác định là do virút Rícketsia

Ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Chiều 24/4, Bộ Y tế đã thông báo kết quả bước đầu xác định virút Rícketsia (sốt mò do bọ chét) đã gây bệnh viêm da bàn tay bàn chân tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN