Taxi nhái, taxi “dù” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động ngày một công khai với những hành vi ngang nhiên lừa gạt và trắng trợn lấy giá cước “cắt cổ” khiến cho xã hội bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư và du lịch của thành phố. Nhiều đợt ra quân kiểm tra nhưng lực lượng chức năng vẫn chưa giải quyết được vấn nạn này.
Nhận diện taxi “dỏm”
Khoảng 5 giờ sáng ngày 20/4/2011, tại ngã tư Bình Phước (Q.Thủ Đức), chúng tôi đang chờ xe của một đồng nghiệp để chở đi công tác, thì một chiếc xe bốn chỗ màu trắng chạy tới sát bên. Tài xế ăn mặc tươm tất bước ra khỏi xe, không cần nhìn xung quanh, với động tác thuần thục anh móc trong cốp xe một tấm bảng điển tử rồi gắn trên nóc xe, sau đó hai tay thoăn thoắt dán bên cửa xe miếng dán số logo màu xanh trông giống của một hãng taxi nhưng không ghi số điện thoại. Chỉ trong vài phút anh ta đã biến hóa chiếc xe thành một xe taxi kiểu hợp tác xã nào đó và đậu hiên ngang chờ khách. Đây là khu vực có khá nhiều khách vãng lai đi xe đò từ các tỉnh miền Đông, do vậy là địa bàn hoạt động béo bở của những chiếc taxi kiểu như thế này.
Hai chiếc taxi giống hệt nhau như thế này, chỉ người đi taxi nhiều lần mới phát hiện ra xe nào là xe dù, còn khách du lịch thì “bó tay”. |
Ở TP.HCM hiện nay nạn “taxi dù, taxi nhái” đang công khai hoạt động, có nhiều “taxi dù” ngang nhiên chèo kéo khách ở ngay trung tâm khu vực chợ Bến Thành, Phạm Ngũ Lão, “con mồi” nhắm đến là những vị khách Tây mới vào Việt Nam đi du lịch không phân biệt được loại xe taxi nào thật, xe taxi nào giả, các tài xế cứ thế “hét giá” thoải mái bằng tiền “đô”.
Một số khu vực khác nữa được “taxi dù” chọn làm điểm dừng chân là bến tàu cánh ngầm, sân bay Tân Sơn Nhất, các bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ, 115… Xa hơn, chúng hoạt động ở những khu vực các cửa ngõ thành phố như bến xe miền Tây, miền Đông, khu vực Suối Tiên, ngã tư Bình Phước… tại đây các vị khách từ phương xa mới chân ướt, chân ráo vào TP.HCM cũng dễ dàng bị mắc bẫy giá.
Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, hiện trên địa bàn có trên 2.000 taxi “dù” đang hoạt động và có nhiều chiêu thức nhái thương hiệu song chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là xe của các doanh nghiệp, hợp tác xã có đăng ký kinh doanh, được dán tem lưu hành và phù hiệu taxi do Sở GTVT cấp, nhưng lại nhái hộp đèn và số điện thoại của các thương hiệu taxi lớn. Loại thứ hai là xe của các cá nhân, không đăng ký kinh doanh, trên xe không có bộ đàm và đồng hồ cước như xe chính hãng. Đối với loại xe hoạt động tự do này, hộp đèn và logo thường được gắn tạm thời vào thân xe bằng nam châm, lúc cần có thể gỡ ra dễ dàng, ngay lập tức trở thành xe nhà.
Đặc điểm chung của loại taxi này là dán biểu tượng na ná các hãng uy tín nhằm cố tình gây ngộ nhận cho hành khách. Chẳng hạn, xe sử dụng hộp đèn và dán biểu tượng có chữ M.Group (nhái hãng Mai Linh); hoặc dán biểu tượng Vinasum, Vina, Vinamet, Taxi Meter, Meter Taxi kèm số điện thoại 8.272777, 54.272727 (nhái hãng Vinasun)... Với các taxi nhái kiểu này, nếu tinh ý hành khách vẫn có thể phát hiện ra.
Anh Nguyễn Trung Hậu, nhân viên Phòng Pháp chế Tập đoàn Mai Linh cho biết, tại khu vực chợ Bến Thành đầy rẫy taxi nhái thương hiệu hãng Mai Linh lẫn taxi dù. Tuy nhiên, để bắt quả tang những taxi này không phải dễ vì tài xế taxi nhái rất manh động, sẵn sàng hành hung người chụp ảnh, quay phim.
Những “cỗ máy chém”
Đa phần hành khách xuống sân bay Tân Sơn Nhất đều sử dụng phương tiện taxi. Tuy nhiên, không ít doanh nhân đã phải rước sự bực mình, ấm ức khi phải ngồi trên những chiếc xe taxi gặp phải gã tài xế “trái nết”.
Nữ hành khách Malaixia khiếu nại khi bị tài xế taxi nhái tính cước 4 triệu đồng cho đoạn đường chưa đến 10 km. |
Giám đốc một doanh nghiệp chua chát kể lại, hồi giữa năm 2010, anh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 11 giờ đêm, rất cẩn thận nên anh lựa chọn chiếc taxi của một hãng có thương hiệu. Đi được nửa đường, tài xế nhất định không chịu chạy, đòi lấy 50 ngàn đồng rồi đuổi xuống xe. Vị giám đốc này phải năn nỉ tài xế chở về nhà rồi sẽ bồi dưỡng thêm. Lý do tài xế không chịu đi là quãng đường ngắn, anh ta đợi 3 - 4 tiếng đồng hồ giờ mới có 1 khách nhưng chỉ chạy 4-5 km thì không đủ sở hụi. Vị giám đốc này than thở, mình đã bỏ tiền đi taxi rồi mà vẫn không hề an toàn chút nào, lỡ may nửa đêm mà họ quyết đòi bỏ mình chơ vơ giữa đường thì không biết như thế nào. Ngồi lên xe mà luôn phải đấu tranh với những thủ đoạn gian lận của tài xế, rồi còn phải năn nỉ xin giống như đi nhờ thời bao cấp, bây giờ không biết đi loại xe nào cho an toàn.
Mới đây nhất, ba hành khách quốc tế, trong đó có nữ nhà báo của tờ New Straits Times (Malaixia) đã bị một tài xế taxi nhái thương hiệu của hãng Mai Linh lấy giá cước 4 triệu đồng cho quãng đường khoảng 7 km từ chợ Bến Thành (Q.1) ra sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM) khiến dư luận hết sức bất bình. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay để dẹp ngay vấn nạn này.
Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên một công ty du lịch, bức xúc: “So với giá cước thực tế chỉ khoảng 150 ngàn đồng, trong khi vị hành khách nước ngoài bị lấy 4 triệu đồng quả là không thể chấp nhận được. Kiểu làm ăn chụp giựt và vô đạo đức của những loại tài xế taxi như thế này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của taxi Việt Nam. Đặc biệt là dưới con mắt của khách du lịch, xe taxi chẳng khác nào những “cỗ máy chém”. Hiện nay, các du khách nước ngoài rất sợ đi taxi và họ thường nhờ nhân viên lễ tân khách sạn chỉ dẫn giúp nhận biết các loại taxi có thể tin cậy được. Chúng tôi luôn trấn an khách du lịch rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt và giúp cho khách du lịch nhận biết đâu là taxi thật, đâu là taxi “dỏm”“.
Đại diện của hãng taxi Mai Linh cho biết, tình trạng taxi dù nhái nhãn hiệu của các doanh nghiệp có uy tín là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động taxi. Nhiều logo của các hãng taxi lớn bị nhái một cách tinh vi từ màu sắc, kiểu dáng đến số điện thoại. Nhiều khách hàng đã không thể phân biệt đâu là taxi chính hãng, đâu là taxi nhái và hậu quả là phải trả giá cước đắt cho những cuốc của taxi dù. Taxi dù, taxi nhái hoành hành đã gây những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và uy tín của các doanh nghiệp taxi làm ăn chân chính.
Chấn chỉnh taxi “dù”
Do nhu cầu sử dụng taxi làm phương tiện đi lại của người dân thành phố đang trở nên phổ biến, hoạt động kinh doanh taxi ngày càng sôi động nhưng mặt trái của nó đó là sự lộn xộn, tranh giành khách, chạy ẩu, giành đường gây bức xúc cho khách hàng và mất an ninh trật tự.
Nạn taxi dù, taxi nhái thương hiệu đang là nỗi ám ảnh của du khách và làm mất dần uy tín của những hãng taxi chân chính đã tạo dựng uy tín nhiều năm qua. Trong tổng số hơn 10.000 chiếc taxi thuộc 37 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay, có gần 2.000 chiếc taxi nhái thương hiệu lớn, làm ăn không nghiêm túc. Các xe này chủ yếu của các doanh nghiệp nằm ngoài Hiệp hội. Ngoài ra còn một lượng xe không thuộc cơ quan nào quản lý, những chiếc taxi này được chủ xe tự gắn hộp đèn và đồng hồ tính cước. Mặc dù đã có sự phối hợp giữa Sở GTVT, Thanh tra giao thông và CSGT trong việc xử lý các xe không đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên gần đây xe dù không giảm mà thậm chí còn gia tăng.
Cũng phải ghi nhận những nỗ lực của cơ quan chức năng thời gian qua đã có nhiều biện pháp phối hợp nhằm quản lý hoạt động taxi đi vào nền nếp, như: cấp phát phù hiệu cho xe, mở nhiều đợt ra quân xử lý taxi dù, taxi nhái, taxi ăn gian đồng hồ tính cước v.v…
Dù vậy, sự không cương quyết và biện pháp chế tài quá nhẹ không phải là “liều thuốc” hữu hiệu để dẹp bỏ vấn nạn này. Sau mỗi đợt ra quân xử lý của Sở GTVT và các đơn vị liên ngành tuy có hiệu quả, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Thanh tra Sở GTVT cho biết họ thường xuyên mở những đợt kiểm tra taxi dù nhưng quá trình kiểm tra còn nhiều bất cập và thiếu sót. Chẳng hạn như chỉ kiểm tra những trường hợp thiếu giấy đăng ký, còn việc kiểm tra thực tế đồng hồ tính cước để xác định taxi vi phạm thì chỉ có Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mới phát hiện được. Đối với các lỗi xe quá niên hạn, tài xế không có giấy phép lái xe cũng chỉ bị lập biên bản chuyển CSGT. Một kẽ hở khiến cho taxi vi phạm “nhờn thuốc” là mức độ xử phạt quá nhẹ, chỉ bằng một vài cuốc xe…
Theo một chuyên gia trong ngành giao thông vận tải, muốn chống vấn nạn này phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, đặc biệt là sự chung tay góp sức của chính khách hàng. UBND TP.HCM nên sớm ban hành quy chế phối hợp tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP.HCM. Quy chế này cần mở rộng khuyến khích người dân tham gia tố giác taxi dù, như có cơ chế khen thưởng cho người dân phát hiện. Khi doanh nghiệp taxi hoặc người dân phản ánh cần có một kênh xử lý kịp thời.
Dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp quyết liệt hơn, xử lý kiên quyết và có chế tài mạnh đối với những xe taxi hoạt động ngoài vòng pháp luật.
Đăng giới - Sĩ Dũng