Tạo hiệu quả cao hơn trong quản lý
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: Công nghệ thông tin, kỹ thuật số tác động tích cực, mạng lại hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp trong lĩnh vực quản lý môi trường. Các công nghệ giám sát môi trường được hỗ trợ bởi internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục 24/7 theo thời gian thực.
Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tinh gọn bộ máy nên việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý, điều hành và tác nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường.
Công tác bảo vệ môi trường trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đứng trước những cơ hội khi đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường cơ bản được hoàn thiện; chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới nền kinh tế cacbon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế.
Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên thế giới làm cho xu hướng phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội trong việc tiếp cận và ứng dụng các khoa học và công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường hiện đại, tự động, liên tục. Phát triển kỹ thuật số trong Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ hỗ trợ công tác quản lý và cập nhật dữ liệu thông tin về môi trường, phát triển, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến trong quản lý môi trường.
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ: Cơ hội cho công tác bảo vệ môi trường Việt Nam trong thời đại số dựa vào thu thập, xử lý số liệu để viễn cảnh có thể thành hiện thực về những cánh đồng xanh, môi trường không khí trong lành, không rác thải, không bụi, những dòng sông xanh không bị ô nhiễm…
Thách thức xử lý và ứng phó sự cố
Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt Việt Nam phải đối mặt với những thách thức như nguy cơ tụt hậu về khoa học, công nghệ, có thể bị bỏ lại xa so với các quốc gia phát triển và đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ và ô nhiễm của thế giới... Những áp lực, thách thức đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Trong đó lớn nhất là việc nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận và tiếp nhận làm chủ Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó là thách thức đối với các rào cản liên quan đến cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với người lao động nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao vào làm việc trong ngành.
Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp với hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm, nhưng chỉ có hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh trên 47 tấn chất thải nguy hại và 125 nghìn m3 nước thải y tế; 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý. Với hàng loạt sự cố môi trường xảy ra cùng với xu thế phát triển các dự án công nghiệp quy mô lớn hiện nay cho thấy, việc kiểm soát hoạt động xả thải của các dự án, cơ sở; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn thải và đảm bảo năng lực ứng phó kịp thời là những thách thức đối với công tác ứng phó và xử lý các sự cố môi trường.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với các thiết bị điện tử, linh kiện bán dẫn, sau thời gian sử dụng sẽ là rác thải điện tử. Việt Nam còn phải đối mặt với dòng chảy của rác thải điện tử đi từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển qua cả con đường hợp pháp và phi pháp, cộng với rác thải điện tử nội sinh sẽ khiến Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức để giải quyết.
Việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, thiếu cơ chế đột phá trong huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường. Khoa học và công nghệ chưa thực sự là động lực tạo nên đột phá; chưa tận dụng được nhiều cơ hội, huy động tối đa các nguồn lực trong hợp tác quốc tế.
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, nhiều rào cản kỹ thuật được dựng lên, nhất là rào cản về môi trường, biến đổi khí hậu cản trở thương mại của các nước yếu thế, trình độ phát triển thấp. Chuyển đổi từ kinh tế "nâu" sang kinh tế "xanh" là một xu hướng tất yếu của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, môi trường xuống cấp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gia tăng.
Trên thế giới, các nước phát triển đang có xu thế dịch chuyển các loại hình sản xuất cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sang các nước đang phát triển để giảm chi phí xử lý môi trường, khiến các nước đang phát triển phải gánh chịu "hậu quả" về ô nhiễm môi trường. Việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nguy cơ các doanh nghiệp lợi dụng việc cho phép nhập khẩu phế liệu để chuyển chất thải vào Việt Nam.
Thách thức liên quan đến vấn đề an toàn, bảo mật thông tin khi sử dụng hệ sinh thái vật vật kết nối, sẽ làm tăng nguy cơ xâm phạm đời tư, an ninh mạng và những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của con người trong việc sử dụng các sản phẩm kết nối không dây.
Bài 2: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số