Những năm qua, do môi trường sống bị tác động mạnh, đàn voi này hay xuất hiện phá hoa màu, rẫy của nhân dân canh tác gần rừng đồng thời phát sinh xung đột với người.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh có 2 đàn voi. Đàn voi thứ nhất có ít nhất 7 con voi rừng sinh sống tại xã Quế Lâm và Phước Ninh huyện Nông Sơn, trong đó có con đực (có ngà), con trung niên và con non. Đàn voi thứ hai có khoảng 4 - 5 con, chưa xác định rõ cấu trúc đàn. Đàn voi này sống biệt lập trong diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 26.000 ha tại các xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh huyện Tiên Phước và xã Trà Dương, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My.
Đối với đàn voi thứ nhất, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và phê duyệt Đề án xác lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam với diện tích 18.997 ha.
Ngày 26/4/2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Tờ trình về việc đề nghị bổ sung đề án “xác lập Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tỉnh Quảng Nam” vào danh mục thực hiện Quyết định số 736/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án, Tổng thể bảo tồn Voi Việt Nam”. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về việc bổ sung đề án voi tỉnh Quảng Nam vào danh mục đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam.
Tỉnh Quảng Nam mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét có kế hoạch đầu tư các công trình thiết yếu bảo vệ Khu bảo tồn, cách ly với dân cư, theo dõi đàn voi và hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân thuộc vùng đệm.
Đối với đàn voi thứ hai, do môi trường sống bị tác động mạnh, đàn voi này hay xuất hiện và phá hoa màu, rẫy của nhân dân canh tác gần rừng và đã phát sinh xung đột với người. Tuy nhiên, do áp lực về đất sản xuất và rừng bị phân mảnh, vùng sống của đàn voi rừng tại khu vực huyện Tiên Phước và Bắc Trà My bị tác động mạnh, đặc biệt là thức ăn của voi đang khan hiếm dần, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng phát triển và tồn tại của đàn voi và ngày càng gia tăng nguy cơ xung đột giữa loài voi với người.
Mặt khác, theo quan sát, đàn voi này không có voi đực nên nguy cơ suy thoái đàn rất cao. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét, nghiên cứu và có giải pháp giúp tỉnh Quảng Nam bảo tồn và phát triển đàn voi rừng này cũng như giảm nguy cơ xung đột giữa người và voi trong thời gian đến, trong đó cần tính toán phương án di chuyển đàn voi về Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi đã xác lập để đảm bảo an toàn cho người và voi.
Nếu thành công, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam có khả năng phát triển thành khu du lịch đặc trưng của vùng núi Quảng Nam vì nơi đây cũng có các đàn Vooc chà vá chân nâu sinh sống.