Bảo tồn các loài gà quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã nuôi thử nghiệm được 100 cá thể gà lôi trắng trong khu bảo tồn.

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) đang triển khai dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài gà nguy cấp, quý hiếm thuộc họ Trĩ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (2021-2023)” nhằm xác định sự phân bố quần thể, sinh cảnh sống, các mối đe dọa, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn. Đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 5 cá thể gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng tại tiểu khu 56 thuộc rừng đặc dụng Pù Hu, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã nuôi thử nghiệm được 100 cá thể gà lôi trắng trong khu bảo tồn. 

Chú thích ảnh
Phát hiện các loài gà quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.

Ông Đàm Duy Đông, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho biết, trong thời gian thực hiện dự án, kiểm lâm viên sẽ điều tra, xác định sự phân bố quần thể, sinh cảnh sống của các loài gà nguy cấp, quý hiếm bằng phương pháp điều tra bằng bẫy ảnh (30 ngày/đợt). Cùng với đó là đặt 6 máy bẫy ảnh tại tiểu khu 56, 72 thuộc xã Trung Thành, huyện miền núi Quan Hóa, từ đó xây dựng bản đồ phân bố và tìm ra giải pháp bảo tồn quần thể các loài gà quý hiếm này.

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện các cam kết bảo vệ rừng, vận động gia đình nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã giao nộp cho cơ quan chức năng tái thả về tự nhiên. Đơn vị phấn đấu khi kết thúc dự án sẽ phát hiện được 40 cá thể trong tự nhiên và nuôi thử nghiệm 200 cá thể tại khu bảo tồn.

Thực hiện dự án này sẽ góp phần bảo vệ bền vững hệ sinh thái đặc trưng của khu rừng Pù Hu, duy trì ổn định và phát triển các loài gà quý hiếm. Từ đó, đưa ra phương án phù hợp nhằm bảo vệ sự tồn tại của các loài gà, phục vụ bảo tồn, duy trì nguồn gen lâu dài. Dự án này cũng giúp người dân địa phương nâng cao trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần tạo sự đồng thuận trong hoạt động phối hợp giữa cán bộ kiểm lâm và người dân sở tại trong bảo tồn bền vững tài nguyên rừng, các loài động vật hoang dã.

Chú thích ảnh
Gà lôi trắng được nuôi nhốt thử nghiệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa. 

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tại Việt Nam, bộ gà có duy nhất một họ Trĩ  (Phasianidae) với 20 loài. Các loài trong bộ gà có kích thước khác nhau. Trong số 20 loài gà hiện có 11 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và 7 loài có tên trong Sách Đỏ thế giới.

Gà tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum) được coi là loài quý hiếm nhất trong các loài gà được ghi nhận tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Loài này đã có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và quốc tế (Danh lục Đỏ IUCN). Tại Thanh Hóa, gà tiền mặt vàng đã xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tuy nhiên loài này chỉ xuất hiện ở khu vực xa khu dân cư với số lượng từ 3-4 cá thể/đàn.

Gà lôi trắng (Lophura nycthemera) có kích thước cơ thể khá lớn, bộ lông của con đực rất đặc trưng, dễ nhận biết, thức ăn của gà là ngô, lúa, trái cây rừng...

Nguyễn Nam (TTXVN)
Bảo tồn sinh cảnh các khu đất ngập nước góp phần lưu trữ carbon
Bảo tồn sinh cảnh các khu đất ngập nước góp phần lưu trữ carbon

Việc bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước (khu Ramsar), góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, lưu trữ carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN