Sạt lở nghiêm trọng tại khu 14, xã Bản Nguyên, Lâm Thao, Phú Thọ. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN |
Ngày 19/8, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp giao ban nhằm tiếp tục ứng phó với cơn bão số 3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, 14h ngày 19/8 đến 17 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, giật cấp 10-12, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Ninh Bình tiếp tục có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9-10. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 19/8, vị trí áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 10-12.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định tiếp tục có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 10-12. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200 mm.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, từ nay đến hết ngày 20/8, tiếp tục xảy ra mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa cả đợt ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa-Nghệ An phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 300 mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ, Hà Tĩnh-Quảng Bình phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5 m, hạ lưu từ 2-3 m. Đỉnh lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Đáy, sông Đào, hạ lưu sông Thái Bình ở mức báo động I; sông Thao, sông Bằng, sông Hoàng Long ở mức báo động II; sông Lục Nam, sông Kỳ Cùng ở mức báo động III; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II-III, hạ lưu lên mức báo động I đến báo động II; sông Cả, sông La lên mức báo động I.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Trong 3 giờ vừa qua, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 17 km/h. Ở Bạch Long Vĩ tiếp tục có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có gió giật mạnh cấp 8.
Trước tình hình thực tế của cơn bão số 3, Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị, tiếp tục triển khai thực hiện Công điện số 1478, ngày 18/8 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ tình hình thực tế, bám sát diễn biến mưa bão để chủ động điều chỉnh phương án, kịch bản để ứng phó kịp thời, phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương liên tục theo dõi, cập nhật cung cấp những bản tin sát hợp nhất với tình hình thực tế của cơn bão số 3, cung cấp cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông để thông tin đến nhân dân, giúp cho việc ứng phó với cơn bão số 3 có hiệu quả.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tổng rà soát lại các phương tiện, tàu thuyền...trên biển, trên sông, phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn, thông báo cho các gia đình chủ tàu, thuyền trưởng vào bờ tránh trú được an toàn. Tránh tâm lý chủ quan trong công tác này.
Ủyban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thự c hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình, đặc biệt chú ý đến những điểm xung yếu bị ảnh hưởng lớn bởi cơn bão số 3.
Tiếp tục thực hiện tốt việc bơm tiêu nước đệm, phòng chống ngập úng đối với cây lúa, nhất là ở 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Chỉ đạo việc kiểm tra an toàn đập, vận hành cửa van, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước để đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du đập.
Các tỉnh có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khẩn trương khẩn trương di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có ý kiến chỉ đạo đối với các tỉnh thuộc khu vực Bắc Thanh Hoá cần có biện pháp vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân nằm ở những nơi có nguy cơ mất an toàn di dời bào những khu vực đảm bảo an toàn. Riêng tỉnh Ninh Bình cần thực hiện việc di các hộ dân thuộc khu vực vành đai 3 vào vùng tránh trú đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc ứng phó với cơn bão số 3. Tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão, Chính phủ đã cử 3 đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3, mưa lũ tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hoá.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 21 giờ, ngày 18/8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị phối hợp với ngành thuỷ sản, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.539 phương tiện, lồng bè, lều chòi với 128.545 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Đến 18 giờ 30 phút, ngày 18/8, các phương tiện và ngư dân đã vào bờ tránh bão an toàn, không còn phương tiện của ngư dân hoạt động trên biển từ Vĩ Tuyến 17 trở lên phía Bắc, có 34.236 phương tiện đã neo đậu tại bến. Toàn bộ 5.142 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thuỷ sản với 6.282 người ở khu vực các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã di dời vào bờ.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 59 vị trí đê biển trọng điểm xung yếu cần quan tâm (Quảng Ninh 7, Hải Phòng 8, Thái Bình 12, Nam Định 9, Ninh Bình 1, Thanh Hoá 7, Nghệ An 4, Hà Tĩnh 11). Tuyến đê biển Cát Hải (Hải Phòng) đang thi công, đã hoàn thành việc đắp đê và gia cố mái phía biển, chưa gia cố cứng hoá mặt đê.
Tại tỉnh Thanh Hoá, có 5 vị trí đê biển, đê cửa sông đang triển khai thi công gia cố mặt đê: Hải Châu, Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (đã đắp hoàn thiện mặt cắt đê và đang lát cấu kiện mái phía biển); đê cửa sông Mã (đã hoàn thiện mặt cắt đang đổ bê tông mặt đê); đê tả sông Yên (đang thi công đắp áp trúc mái phía sông); đê cửa sông Càn (đã hoàn thiện mặt cắt, đang lát mái); đê biển Nga Sơn (tuyến ngoài đang thi công đắp đất).