Bão dồn dập đổ vào Bắc Bộ

Cơn bão số 5 vừa đi qua thì một vùng áp thấp khác vào Biển Đông và đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 6. Theo dự báo, cơn bão này tiếp tục đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ.


Tháng cao điểm mưa bão


Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, với các tỉnh Bắc Bộ, thông thường các tháng 7, 8, 9 là thời điểm xảy ra nhiều đợt mưa to, bão lũ. Có năm, cao điểm mưa bão rơi vào tháng 7, có năm rơi vào tháng 9; năm nay theo dự báo thì tháng cao điểm mưa bão là tháng 8. Trong tháng này có khả năng xuất hiện 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Với các tỉnh Bắc Bộ, đây là tháng chính của mùa mưa do vậy khu vực này có khả năng xảy ra 3 - 4 đợt mưa vừa, mưa to. Do đó, các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi cần chủ động đề phòng xảy ra lũ quét và sạt lở đất đá, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía bắc.


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trong những ngày đầu tháng 8, trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ. Trong nửa cuối tháng này, trên các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ vừa, các sông khác ở Trung bộ xuất hiện 1- 2 đợt lũ nhỏ.


Còn tại khu vực Nam Bộ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế lên dần và có khả năng đạt giá trị cao nhất tháng vào những ngày cuối tháng. Mực nước cao nhất tháng trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức: 3,6 m, cao hơn báo động 1: 0,1 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,2 m, cao hơn báo động 1: 0,2 m; cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1- 0,2 m. Trong tháng, mực nước sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện 1- 2 đợt lũ.


Ứng phó bão tiếp bão


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 19 giờ ngày 6/8, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 15,9 độ vĩ bắc; 111,0 độ kinh đông, trên vùng biển tây nam quần đảo Hoàng Sa. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ngày 7/8 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông; đêm nay (7/8) ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, tổng hợp thiệt hại do bão số 5 gây ra tại các địa phương tiếp tục tăng. Cụ thể, theo thống kê đến ngày 6/8, bão số 5 làm 2.189 nhà bị ngập, hư hại (tăng 252 nhà); diện tích lúa, hoa màu bị ngập là 5.283 ha (tăng 3.250 ha), diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập là 184 ha (tăng 181,6 ha) so với báo cáo ngày 5/8.


Ngày 6/8, Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW) đã họp để chỉ đạo các địa phương, các bộ ngành chủ động đối phó với bão số 6.


Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 15 giờ 30 phút ngày 6/8, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.131 phương tiện với 246.933 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.


Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có Công hàm gửi Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Hà Nội đề nghị tạo thuận lợi cho 32 tàu với 314 người của Việt Nam được tránh, trú bão tại đảo Hải Nam; đồng thời đề nghị hỗ trợ cứu nạn trong trường hợp tàu cá bị nạn hoặc gặp sự cố.


Sẵn sàng ứng phó với cơ bão này, các tỉnh phía bắc tiếp tục tăng cường các biện pháp để bảo vệ mùa màng cũng như tính mạng người dân. Ngày 6/8, theo thông tin từ phòng Trồng trọt của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn bộ hơn 100.000 ha lúa mùa vẫn đang được bảo vệ an toàn trước cơn bão số 5. Để bảo vệ cho diện tích lúa này, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tiếp tục các biện pháp ứng phó kịp thời với bão số 6. Cụ thể, tại Thanh Oai, các trạm bơm tiêu nước có vị trí quan trọng như Khe Tang 2, kênh Yên Cốc đều chuẩn bị sẵn sàng tiêu nước khi mưa lớn. Tại Ứng Hòa, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ chủ động mở bơm tiêu, đồng thời, chở máy về lắp đặt tại các trạm bơm dã chiến để thoát nước.


Huyền Tím - Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN