Bảo đảm quyền cho người không có quốc tịch

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, do xung đột pháp luật, hoạch định biên giới, di cư tự phát… nên hiện có hàng chục ngàn người chưa được đăng ký quốc tịch Việt Nam. Vì thế, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan đến người không quốc tịch để đối tượng này được hưởng đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

Vẫn còn lượng lớn người không quốc tịch

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, quyền có quốc tịch là một trong những quyền cơ bản và đầu tiên của một cá nhân khi ra đời. Quốc tịch thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cá nhân đó với quốc gia mình có quốc tịch, cũng như quyền, trách nhiệm của quốc gia đó với cá nhân mang quốc tịch của quốc gia mình.

Trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho người nước ngoài cư trú tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN



Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên vẫn tồn tại những cá nhân rơi vào tình trạng không có quốc tịch. Số liệu tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố của Bộ Tư pháp cho thấy, cả nước chỉ có trên 4.700 người không quốc tịch đủ điều kiện gia nhập quốc tịch Việt Nam (cư trú trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên theo điều 22 của Luật Quốc tịch 2008); trong khi vẫn còn hàng chục ngàn người chưa đủ điều kiện gia nhập quốc tịch Việt Nam (có thời gian cư trú dưới 20 năm).

Bà Trần Thị Tú, Trưởng phòng quản lý Quốc tịch, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, về mặt pháp lý, những người không có quốc tịch cũng như con, cháu của họ không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh quốc tịch. Do vậy, họ không thể đăng ký quốc tịch, không được cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, giấy tờ đăng ký tài sản... “Thực trạng này không những làm cho cuộc sống của họ khó khăn thêm, mà còn phát sinh vấn đề phức tạp cho công tác quản lý dân cư nói chung tại các địa phương, nhất là khu vực biên giới”, bà Tú nhấn mạnh.

Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp phản ánh, tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 6.000 người, An Giang là 2.550 người, Tây Ninh khoảng 1.300 người không có quốc tịch Việt Nam... Hầu hết các trường hợp chưa được giải quyết quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu tại các địa phương có khu vực biên giới là do các hộ dân này không có chỗ ở ổn định, chỉ che nhà tạm ở ven sông, thường xuyên di chuyển đi nhiều nơi khác nhau ở các địa phương liền kề gây khó khăn trong quản lý, thống kê, rà soát số liệu. Trong khi đó, trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật của người dân tại khu vực biên giới còn thấp nên việc kê khai, thủ tục đăng ký cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, số lượng những người sinh sống tại Việt Nam sau năm 1989 do thời gian cư trú chưa đủ 20 năm nên không đủ điều kiện đăng ký quốc tịch cũng rất lớn. Những đối tượng này không có giấy tờ hộ tịch, quốc tịch nên các địa phương chỉ thực hiện việc quản lý theo diện người không quốc tịch. Việc không được giải quyết hộ tịch, hộ khẩu đã dẫn đến việc quản lý và thực hiện chính sách cho các đối tượng này cũng như việc thực hiện các giao dịch của họ rất khó khăn. “Khi ngành Thương binh và Xã hội xét hộ nghèo để hỗ trợ thì họ không có một loại giấy tờ nào để được xem xét hay khi họ muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để có chỗ ở ổn định thì không thực hiện được”, bà Thủy nêu dẫn chứng.

Người không quốc tịch được tham gia bảo hiểm xã hội

Từ thực tiễn quản lý tại địa phương, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam bà Huỳnh Thị Lệ Thủy đề xuất, Chính phủ cần sớm có quy định và hướng dẫn đối với một số trường hợp theo hướng thông thoáng hơn. Theo đó, những người không có giấy tờ tùy thân nhưng có giấy tờ chứng minh quốc tịch của cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì vẫn được cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam.

Theo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), hiện nay, người không quốc tịch, người không rõ quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có thể chia thành các nhóm: Những người di cư tự do từ Campuchia đến sinh sống tại các tỉnh phía Nam, những người di cư tự do từ Lào sang Việt Nam sống dọc 10 tỉnh biên giới phía Tây, những người di cư tự do từ Trung Quốc sang Việt Nam sống tại các tỉnh biên giới phía Bắc và những người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài song vì nhiều lý do khác nhau không được nhập quốc tịch nước ngoài nên trở về Việt Nam sinh sống.

Về thông tin cha, mẹ trong Giấy khai sinh của những trường hợp trên có thể để trống phần quốc tịch của cha mẹ, những thông tin khác như họ tên, năm sinh, nơi tạm trú... thì căn cứ vào những thông tin mà họ đã khai báo với cơ quan công an để ghi... “Những người về Việt Nam sau năm 1989 mà không có giấy tờ hộ tịch, quốc tịch nếu cư trú ổn định từ 6 tháng trở lên thì có thể cấp giấy tờ hộ tịch nhưng phần quốc tịch để trống để cho họ có được giấy tờ tùy thân. Đồng thời, việc này cũng nhằm tạo điều kiện cho các ngành dễ dàng hơn trong công tác quản lý và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho đối tượng này”, bà Thủy kiến nghị.

Theo ông Lương Đức Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của người không có quốc tịch chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người không có quốc tịch, nhất là người không quốc tịch cư trú Việt Nam. Vì thế, cần phải rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người không quốc tịch, trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... “Trước mắt, nếu người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam thì nên cho họ được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ như: tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, tham gia dự tuyển viên chức, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp…”, ông Tuấn cho biết.

Thu Phương
Bỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch là phù hợp với tình hình
Bỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch là phù hợp với tình hình

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam là phù hợp với quy định của Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật quan trọng khác, khẳng định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam ...”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN