Sáng 24/6, trước phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam. Bên lề Kỳ họp, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) và Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đồng tình cao với việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này. Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách. Thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 01/7/2014 tới đây. Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Bùi Văn Xuyền phát biểu ý kiến. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN |
Sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 31/12/2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Như vậy sẽ có rất nhiều kiều bào ta đang sinh sống tại nước ngoài sẽ mất quốc tịch Việt Nam sau ngày 1/7/2014.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền, tán thành với việc sửa đổi khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 theo hướng bỏ quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch là để không tạo áp lực về thời gian đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, việc bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và gắn kết với việc hướng dẫn cấp hộ chiếu Việt Nam cho người đăng ký giữ quốc tịch có đủ giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam, sẽ bảo đảm tốt hơn lợi ích thiết thực của người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Đại biểu nhấn mạnh việc bỏ quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch là yêu cầu tất yếu khách quan, phù hợp với tình hình hiện nay.
Trên cơ sở tán thành với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh việc sửa đổi này phù hợp với quy định của Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật quan trọng khác, khẳng định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam ...”.
Các đại biểu đánh giá, thời gian quan vẫn còn nhiều hạn chế trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, nhất là Thông tư, Thông tư liên tịch, chưa kịp thời, làm cho việc triển khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trên thực tế không bảo đảm được đúng thời gian Luật định.
Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định của Chính phủ chưa có quy định gắn kết cụ thể, tạo sự liên thông giữa thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam, chưa bảo đảm lợi ích thiết thực cho người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Đồng thời công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký giữ quốc tịch đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khó khăn, chưa thực sự hiệu quả…
Đại biểu Bùi Văn Xuyền và đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị, trong triển khai thi hành Luật Quốc tịch cần chú trọng khắc phục những điểm yếu này; đồng thời nghiên cứu cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng kiều bào ta ở nước ngoài có thể cung cấp thông tin, đăng ký trực tuyến các thủ tục qua mạng Internet, không nhất thiết phải đến cơ quan ngoại giao nhằm tạo điều kiện thuật lợi nhất cho người dân.
Quỳnh Hoa