Xác định hiện trạng an toàn
Yên Bái hiện có 186 công trình hồ chứa nước thủy lợi, trong đó 133 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên và 53 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở xuống. Phần lớn các hồ chứa này được xây dựng cách đây trên 30 năm, kết cấu bằng đất, chịu tác động của nhiều trận mưa, lũ nên đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 24 đập thủy điện, ngoài hồ chứa thủy điện Thác Bà được vận hành theo quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, các hồ chứa thủy điện còn lại đều có dung tích nhỏ, đập tràn tự do nên không có chức năng điều tiết lũ.
Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết, ngay sau mỗi mùa mưa lũ, các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, quan trắc hiện trạng các công trình đập, hồ chứa để kịp thời phát hiện sự cố và có phương án khắc phục, vận hành an toàn công trình. Hiện tại, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều đảm bảo tích nước bình thường theo thiết kế.
Kết quả kiểm tra, quan trắc cho thấy, có 121 hồ chứa có quy mô lớn và vừa đủ tiêu chuẩn đăng ký an toàn, trong đó có 15 hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh đã kết nối và chịu sự chỉ đạo, điều tiết của Tổng cục Thủy lợi. Riêng hồ chứa thủy điện Thác Bà đảm bảo chống lũ an toàn và nâng cao hiệu ích phát điện, quy định 3 thời kỳ vận hành trong mùa lũ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
100% hồ chứa có cửa van tràn xả lũ, các thiết bị cơ khí hoạt động bình thường, các hồ chứa đều có máy phát điện dự phòng. Việc cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước được thực hiện tại 28 hồ, đập. Tuy nhiên vẫn còn 105 hồ chưa cắm được mốc do các hồ đã được xây dựng trên 40 năm, khi cắm mốc đều vướng mắc về thủ tục đất đai. Còn 13 đập bị thấm nước và 2 tràn xả lũ bị nứt ở mức độ nhẹ.
Công tác kiểm định an toàn hồ, đập được tiến hành nghiêm ngặt. Theo ông Đỗ Minh Khải, Trưởng phòng Quản lý công trình, Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết, toàn bộ hệ thống đập, hồ chứa thủy lợi được kiểm định định kỳ 5 năm một lần. Hồ sơ đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa được cập nhật và lưu trữ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, nhất là sự thay đổi về lưu vực liên tục được cập nhật. Ngoài ra, các cơ quan chức năng kiểm định đột xuất các đập, hồ chứa khi thấy có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.
Đến thời điểm hiện tại, các hồ, đập lớn trên địa bàn tỉnh được thực hiện diễn tập khả năng thoát lũ của hồ chứa, vùng hạ du các hồ chứa. Qua đó đã xử lý, khắc phục hiện tượng lấn chiếm, làm co hẹp không gian thoát lũ của hồ chứa và vùng hạ du. Công tác sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa trọng điểm đã cơ bản hoàn thành tiến độ an toàn vượt lũ, chống lũ. Một số công trình đang thi công đã lập và trình phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công.
Các hồ chứa thường xuyên vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, thiết bị phục vụ xả lũ, nạo vét khơi thông hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra. Đồng thời bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong các trường hợp có sự cố khẩn cấp. 100% hồ, đập có hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ và sự cố từ các hồ chứa.
Thực hiện đồng bộ giải pháp
Bên cạnh việc đánh giá thực trạng an toàn, để chủ động ứng phó với mưa lũ và đảm bảo vận hành an toàn các công trình hồ chứa nước, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp an toàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác diễn tập phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đối với sự cố hồ, đập để hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với mưa, lũ bất thường.
Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với sự cố mất an toàn hồ, đập. Khuyến khích các hộ dân di dời nhà cửa nằm trong vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay 100% hồ, đập lớn đã xây dựng và được phê duyệt phương án ứng phó thiên tai với mọi tình huống khẩn cấp. Tỉnh đã bố trí đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện phương án an toàn hồ, đập nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống mưa lớn, lũ bất thường, kéo dài; nhất là bố trí nguồn lực của địa phương để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa, lũ năm nay.
Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 32 hồ và đang thi công 16 hồ, đập. Đây là những công trình và hạng mục công trình xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cao, việc tập trung sửa chữa, nâng cấp kịp thời nhằm tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Trước mỗi mùa mưa bão, tỉnh Yên Bái chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa tiến hành phát quang bờ đập và nạo vét đường tràn xả lũ của hồ chứa; thường xuyên bảo dưỡng van điều tiết, sửa chữa thiết bị hư hỏng, xuống cấp đảm bảo hồ chứa luôn hoạt động bình thường; thực hiện nghiêm chế độ trực ban tại công trình 24/24 giờ và báo cáo về tình hình an toàn đập, hồ chứa hằng ngày trong các đợt mưa, lũ.
Để đảm bảo vận hành an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão, theo bà Đoàn Kim Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, hằng năm tại mỗi hồ, đập đều xây dựng chi tiết quy trình vận hành, bảo trì công trình, quy trình kiểm tra sửa chữa, lắp đặt mới thiết bị giám sát, cảnh báo an toàn và thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn đối với những hồ, đập lớn. Đến nay, tỉnh đã lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho 28 hồ, đập; lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc mực nước thấm cho 7/16 hồ; quan trắc đường bão hòa cho 9/16 hồ; thiết bị quan trắc mực nước, mốc quan trắc chuyển vị đập của 16/16 hồ chứa lớn và 48 trạm đo mưa tự động.
Bên cạnh những giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập, Yên Bái là một trong những tỉnh sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du của các hồ, đập, xác định được khả năng thoát lũ sau tràn từ các hồ chứa. Theo đó, tỉnh đã tính toán tuyến lũ quét và phạm vi dự kiến ngập lụt, từ đó xác định các khu vực phải sơ tán người và tài sản; xác định con đường ứng cứu, đường sơ tán và phương tiện trợ giúp sơ tán hiệu quả, nhanh chóng nhất.