Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi điện Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải; Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 1, 2, 3, 4; Ban Quản lý dự án các tỉnh đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa từ nguồn vốn vay WB8 và vốn hỗ trợ khẩn cấp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hoàn lưu vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa lớn trên diện rộng. Dự báo, từ đêm ngày 1 đến ngày 5/8, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 -350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; từ ngày 1 đến ngày 3/8 các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt.
Mưa lớn có thể gây ngập lụt, úng trên diện rộng ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; ngập lụt, úng cục bộ ở khu vức Bắc Bộ và uy hiếp an toàn công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước nhỏ, xung yếu và đang thi công sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới.
Để đề phòng ảnh hưởng, hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó, phương án vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du các hồ chứa.
Các đơn vị triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, lưu ý các đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du đập; đặc biệt quan tâm an toàn của các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp, các hồ chứa vừa, nhỏ và hồ chứa xung yếu.
Đồng thời, tổ chức trực ban 24 giờ/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ, bão; theo dõi chặt chẽ mực nước và lưu lượng nước đến hồ chứa nước để có phương án vận hành phù hợp.
Các đơn vị khoanh vùng cụ thể khu vực thấp, trũng, thường xuyên bị ngập lụt, úng; xây dựng phương án ứng phó cho từng khu vực, bảo đảm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của mưa, lũ. Khi xảy ra mưa lớn, nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Sau khi xảy ra các trận động đất tại Sơn La vừa qua, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện các hồ chứa thủy lợi ở Sơn La cũng như trong khu vực vẫn đang bình thường. Theo báo cáo của địa phương hiện không có sự cố mất an toàn. Tổng cục Thủy lợi sẽ cử đoàn công tác đi kiểm tra thực tế.
Ông Nguyễn Anh Tú cũng cho biết, hiện tình hình chứa nước ở các hồ chứa trong khu vực đang ở mức thấp. Chỉ có một số hồ như: Ô Rô, Chúc Bài Sơn, Bầu Lầy… đang đầy. Tổng cục chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các phương án để có thể xả trước để đón lũ, đảm bảo an toàn cho các công trình, hồ đập.
Tổng cục Thủy lợi yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình, đặc biệt lưu ý tới các hồ chứa nước xung yếu, hồ chứa có cửa van, hạ du đông dân cư sinh sống khi có mưa trên lưu vực hồ chứa.
Đối với công trình đang thi công, phải có phương án thi công phù hợp, đảm bảo không để xảy ra sự cố, tuyệt đối không triển khai các hạng mục không đáp ứng tiến độ thi công vượt lũ. Các đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi, tổng hợp tình hình thời tiết, vận hành công trình thủy lợi và bảo đảm an toàn công trình. Nếu có tình huống khẩn cấp, mưa lớn bất thường hoặc sự cố công trình xảy ra thì thông tin ngay về Tổng cục Thủy lợi.
Về tình hình an toàn đập, hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ, Vụ An toàn đập cho biết, lượng nước trữ trong hồ chứa tại khu vực này phổ biến đạt 42-85% dung tích thiết kế, lượng nước trữ trong các hồ khu vực như sau: Hà Giang 85%, Điện Biên 41%, Sơn La 64%, Hòa Bình 44%, Tuyên Quang 69%, Bắc Giang 47%, Vĩnh Phúc 52%, Phú Thọ 79%, Thái Nguyên 59%, Lạng Sơn 55%, Quảng Ninh 56% dung tích thiết kế.
Một số hồ chứa tại địa phương đang tích nước cao như: Hồ Km 13 100% (Hà Giang), hồ Ô Rô 102% (Tuyên Quang); hồ Vĩnh Thành 89% (Vĩnh Phúc); hồ Chúc Bài Sơn 84% (Quảng Ninh); hồ Bầu Lầy 100%, Ngạc Hai 93% (Bắc Giang)...
Các hồ chứa hư hỏng cần lưu ý: 81 hồ; các hồ chứa đang thi công trong dự án WB8: 35 hồ chứa. Khu vực Bắc Bộ có 2.543 hồ; trong đó 326 hồ chứa lớn, 2.217 hồ chứa vừa và nhỏ. Trong số trên có 16 hồ có tràn cửa van, còn lại 2.527 hồ có tràn tự do.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ; trong đó có 47 hồ chứa có tràn cửa van còn lại 2.276 hồ có tràn tự do. Lượng nước trữ trong hồ chứa tại khu vực này phổ biến đạt 28 - 54% dung tích thiết kế. Lượng nước trữ trong hồ trung bình tại một số tỉnh như sau: Thanh Hóa 24%, Nghệ An 44%, Hà Tĩnh 54%, Quảng Bình 35%, Quảng Trị 22%, Thừa Thiên Huế 34%. Hồ chứa tại một số địa phương đang tích nước cao như: Đồng Bể 75% (Thanh Hóa), hồ Khe Đá 100% (Nghệ An) , hồ Bộc Nguyên 95% (Hà Tĩnh). Các hồ chứa hư hỏng trong khu vực Bắc Trung Bộ cần lưu ý có 53 hồ.