Thời gian qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực rất nhiều trong việc lập lại trật tự vỉa hè, thế nhưng dạo một vòng quanh thành phố, không khó để phát hiện ra những khu vực bị người buôn bán hàng rong lấn chiếm, bất chấp những quy định của pháp luật.
Điều đáng nói, ngay dưới hoặc bên cạnh những tấm băng rôn tuyên truyền, vận động và thậm chí là những biển báo cấm lấn chiếm, nhiều hộ kinh doanh, người bán hàng rong vẫn “vô tư” bày bán.
Tại cổng bệnh viện Chợ Rẫy trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), không ít người bán hàng rong thoải mái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Có trường hợp còn bày bán hàng hoá ngay trước biển báo cấm, như kiểu… “ta đây chẳng sợ ai”.
Buôn bán hàng rong ngay trước bảng cấm ở bệnh viện Chợ Rẫy. |
Còn trên tuyến đường Lê Quang Sung, UBND phường 6 (quận 6) treo băng rôn thông báo: “Kể từ ngày 19/3/2017, UBND phường 6 tiến hành ra quân xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, chợ tự phát trên các tuyến đường thuộc địa bàn phường”. Thế nhưng, phía trước tấm bảng là cảnh các hộ buôn bán kinh doanh thực phẩm bày biện hàng hoá lấn chiếm toàn bộ vỉa hè, còn xe máy đậu tràn xuống cả lòng đường.
Bất chấp thông báo ra quân chấn chỉnh việc sử dụng vỉa hè, lòng đường, các hộ kinh doanh vẫn lấn chiếm kinh doanh. |
Cách khu vực đó vài bước đi bộ, trên đường Minh Phụng, dưới tấm băng rôn tuyên truyền với nội dung “Thực hiện nếp sống văn minh mỹ quan đô thị là trách nhiệm của mọi người mọi nhà” là cảnh buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Còn người dân cứ thấy tiện lợi là tấp xe máy vào lề đường để mua bán.
Vẫn buôn bán kinh doanh bất chấp mỹ quan đô thị. |
Ở phía trước chợ Minh Phụng, chính quyền địa phương đã xây dựng barrier tạo phần đường dành riêng cho người đi bộ. Phía trước barrier này là tấm biển cấm “Bán hàng rong trên vỉa hè”.
Chính quyền địa phương phải tốn một khoản kinh phí để đầu tư barrier cho người đi bộ. |
Tuy nhiên, bất chấp bảng cấm, người phụ nữ bán xôi này ngồi chắn ngay lối vào.
Ngồi bít lối vào, người đi bộ chỉ còn một cách đi là xuống lòng đường. |
Tương tự trên đường Cống Quỳnh (quận 1), mặc cho chính quyền địa phương treo băng rôn ghi rõ mức xử phạt theo các điều khoản cụ thể của Nghị định Chính phủ, nhưng hành vi lấn chiếm vỉa hè kinh doanh vẫn nghiễm nhiên diễn ra ngay dưới tấm băng rôn nói trên. Còn người đi bộ đành phải đi xuống lòng đường.
Không khó để bắt gặp những hình ảnh này trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh. |
Tại đường số 3, quận Bình Thạnh, một băng rôn với nội dung “Không kinh doanh, bày bán hàng hoá trên lòng đường, hè phố gây cản trở giao thông”. Còn ở phía bên cạnh là cảnh buôn bán tràn lan, lấn chiếm gây phản cảm.
Vỉa hè biến thành "chợ cóc". |
Trên đường D2, Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), thay những tấm băng rôn đỏ là khẩu hiệu với màu sắc hiền hoà hơn “Lề đường là dành cho người đi bộ”. Tuy nhiên, thực tế thì người đi bộ chẳng có vỉa hè khi đi qua quán cà phê này vì toàn bộ không gian vỉa hè được quán cà phê này biến thành bãi giữ xe cho khách.
Vỉa hè của người đi bộ hay của quán cà phê?. |
Còn ngay trên vỉa hè rộng rãi trên đường Điện Biên Phủ, đoạn qua trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, người đi bộ phải “vừa đi, vừa né” hàng rong lấn chiếm và cả người điều khiển xe gắn máy.
Tấm băng rôn này phải "chịu thua" người bán hàng rong. |
Không ít người đi qua những khu vực nói trên đều “nói vui” với ngụ ý rằng: “Biển hiệu thì đã rõ, nhưng “biểu hiện” lại chưa tới đâu”. Hay cũng có người lại cho rằng, việc đặt biển báo cấm, băng rôn tuyên truyền thường ở những vị trí là “điểm nóng” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Vấn đề là sau khi treo băng rôn, biển báo cấm cần phải có những hành động xử lý dứt khoát, nghiêm minh để tránh những hình ảnh tréo nghoe này tồn tại.