Bâng khuâng đứng giữa muôn dòng sách

Có hay đảo qua các cửa hàng sách thiếu nhi mới thấy mua được cuốn ưng ý cũng chẳng dễ dàng gì, tuy "trên giời, dưới sách".

Người khó mua, kẻ dễ tính

Khu phố Đinh Lễ (Hà Nội) những ngày tháng 6 chật ních người mua sách cho trẻ em. Trong những cửa hàng chật chội, người này ra, lại có người khác vào. Cuốn người này chê đặt xuống, ngay lập tức có người khác nhặt lên lấy ngay, thậm chí chỉ sau khi liếc mắt qua bìa sách xanh đỏ.

"Nhiều khi, tôi cứ đứng mãi ở cửa hàng sách, lật lên, lật xuống mãi mới chọn được một cuốn cho cháu ngoại. Sách thiếu nhi nhiều, nhưng sách hay lại vẫn thiếu. Mua được cuốn ưng ý cũng chẳng dễ dàng gì…", chị Hoàng Huyền, một khách mua sách tại Đinh Lễ tâm sự.



Thấy tôi có vẻ thắc mắc, chị với tay lấy cuốn "365 truyện kể hàng đêm" trên giá, lật từng trang, giải thích: "Cứ nhìn cuốn sách này thì biết. Bìa đẹp, giấy trắng, tranh vẽ hấp dẫn, chữ không gợn một vết nhòe. Chuyện dài vừa phải, mỗi tối đọc một chuyện cho con rất ổn. Nhưng nội dung thì chán lắm".

Rồi chị cất giọng đọc: "Ai ngờ đang giữa bữa tiệc, một bà tiên già lần đến. Vua quên không mời bà… Bà tiên già nghĩ bụng: Ta không đáng bị họ đối xử thế này… Bà tiên già vẫn ngồi trong một góc, tới lúc này mới nói: Ta ban cho đứa trẻ này một thứ không gì so sánh nổi. Vài năm nữa nó sẽ bị một chiếc kim khâu đâm vào tay và chết…".

"Đoạn chuyện này sơ sài, lời văn dễ dãi, làm sao so sánh được với câu chuyện ngày trước mình đọc, chị Huyền nói.

Trong khi đó, chị Hoa, người bán hàng cho biết, đây là một trong những cuốn sách có nhiều độc giả. "Cũng có người mua dễ tính lắm, chỉ lướt qua là mua ngay. Không phải ai cũng đọc kỹ như chị Huyền này đâu".

Cùng tạo "bộ lọc" sách

PGS.TS văn học Đặng Thị Hạnh trong thiên hồi ức "Cô bé nhìn mưa" của mình đã nói rất nhiều về câu chuyện thần tiên mà cháu ngoại bà kể lại. Đó là chuyện về cô Lọ Lem với những đoạn lặp tiến triển dần "Cô đem trồng cây dẻ trên mộ mẹ và những giọt nước mắt của cô rơi xuống, cây mọc lên xanh tốt". Chính những đoạn lặp lại đó mang lại vẻ đẹp cho câu chuyện.

Thế nhưng, trong nhiều cổ tích được xuất bản gần đây, nhiều câu chuyện đã bị đánh rơi những chi tiết "linh hồn" như vậy. Truyện “Tấm Cám” không còn câu thần chú: "Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người", cũng chẳng còn lời bà cụ nhân hậu: "Thị ơi, thị rụng bị bà"… Tương tự, truyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” (NXB Kim Đồng) đã không còn phác thảo nhân vật "da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung cửa gỗ mun" nữa.

Chưa kể, còn rất nhiều truyện tranh thiếu nhi với những lời lẽ rơi vào dung tục, kích động bạo lực hoặc gợi đến những liên tưởng giới tính hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi.

"Gay go nhất, những cuốn sách đó sẽ còn lại ở đâu đó trong xã hội, mà cụ thể là trên giá của những cửa hàng thuê truyện. Khi đó, dù bố mẹ không mua, song lấy gì đảm bảo trẻ sẽ không đọc", PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam) lo lắng.

Cách giải quyết duy nhất cho vấn đề này, theo ông, chính là việc ngay từ nhỏ bố mẹ đã dành thời gian để định hướng sách, hình thành thẩm mỹ đọc sách tốt cho trẻ. "Chỉ có vậy, khi gặp những cuốn sách có nội dung không tốt, trẻ sẽ tự thấy mình không nên đọc chúng. Có nghĩa là chúng ta phải xây để chống", PGS.TS Bình khẳng định.

Ngoài ra, PGS.TS Bình cũng rất lạc quan vào sự chuyển mình của các nhà xuất bản: "Bản thân các nhà xuất bản cũng ý thức hơn về việc phải cạnh tranh. Do đó, bên cạnh các loại hình sách truyền thống với các đề tài phong phú, họ cũng cho ra đời nhiều sách dịch, sách đương đại tốt. Các em có thể tìm được những tác phẩm văn học yêu thích trong kho tàng các tác phẩm tinh túy từ cổ điển đến đương đại của Việt Nam và thế giới. Sách giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cũng đã sinh động hơn rất nhiều". "Chính vì thế, nếu có "bộ lọc" tốt, cũng không lo không đủ sách hay để đọc", PGS.TS Bình khẳng định.

Kiều Trinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN