Cả năm lăn lộn với các sự kiện, để mang tới những dòng tin tức thời sự nóng hổi, những bài viết cập nhật, thiết thực cho độc giả, nhưng cũng có một ngày để các nhà báo được tôn vinh: Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Hãy lắng nghe những độc giả, những “đối tác” nói gì về nghề báo và nhà báo trong ngày này.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Nhà báo phải là những chiến sỹ tiên phong
Trong thời gian qua, báo chí đã phát huy được nhiều phẩm chất tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam như: Hướng dẫn dư luận, là diễn đàn cho người dân nói lên tiếng nói của mình, động viên, hướng dẫn người dân cách làm giàu, chống tiêu cực, chống tham nhũng, phản ánh được nhiều sự kiện trọng đại của quốc gia, đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước tới từng người dân...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận, một số tờ báo chạy theo hướng rẻ tiền, chuyên chú trọng vào những chuyện “tình tiền tù tội”, thậm chí gây phản tác dụng, “vẽ đường cho hươu chạy”, gây hoang mang dư luận. Có nhà báo còn nói với tôi rằng, báo của họ chạy theo tiêu chí “4 chữ T” này, nếu không viết về “4 chữ T” thì báo của họ không bán được.
Hiện nay, khi mà xã hội còn nhiều vấn đề phức tạp thì người làm báo phải tiên phong đi vào những vấn đề, những “điểm nóng” để phản ánh trung thực, giải tỏa những bức xúc của người dân, của dư luận. Bên cạnh đó, rất cần phản ánh đầy đủ ý kiến của người dân, đặc biệt là ý kiến của giới trí thức.
Vì vậy, theo tôi người làm báo trước tiên phải là chiến sỹ cách mạng, đấu tranh vì lý tưởng, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh. Nhà báo cần dũng cảm nhưng phải trung thực và khoa học, ngòi bút phải sắc bén. Khi phê bình, góp ý cũng phải “khéo”, không “vơ đũa cả nắm”. Ví dụ, chống tham nhũng không thể làm theo cách “quét cầu thang theo chiều từ dưới lên”.
Làm báo không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Đã là nghiệp thì nhà báo phải luôn luôn trau dồi, nâng cao phông văn hóa và vốn sống của mình, đặc biệt phải tinh thông một ngoại ngữ. Là chiến sĩ nên ngoài dũng cảm, phải có kỹ năng, để “diệt được địch mà không chết”, viết nhưng không phạm luật.
Việt Nam đang đi trên con đường đổi mới và báo chí luôn là động lực cho sự phát triển. Báo chí một mặt hướng dẫn dư luận, mặt khác phải lắng nghe những kiến nghị của nhân dân. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam là sự nghiệp khó khăn. Trước muôn vàn kiến nghị của nhân dân phải nghe để đề xuất giải pháp đúng đắn. Cũng cần quan tâm tới ý kiến của giới trí thức vì đây là đội ngũ tinh hoa của nhân dân. Đồng thời đổi mới, làm phong phú nội dung, diện mạo tờ báo, tránh những chuyện giật gân rẻ tiền, nên hướng vào việc triển khai các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.
Trong thời gian qua, các sự kiện được phản ánh trên mặt báo hầu như giống nhau, do vậy người dân không còn muốn đọc báo nữa mà chuyển sang xem báo mạng, xem truyền hình. Vì vậy,báo viết phải phân tích sâu hơn, bình luận, có chính kiến thì mới hấp dẫn người đọc. Phát huy mặt đó thì sẽ lấy lại lòng tin của người dân, nhất là những bài báo chống tiêu cực; tuy nhiên phải làm theo luật, chứ không thể làm báo định hướng theo khẩu dụ.
Trong thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã phát huy tốt vai trò là đơn vị “đầu đàn” trong lĩnh vực thông tin, Thông tấn xã Việt Nam nói chung và báo Tin Tức nói riêng luôn đưa tin chính xác, không phạm sai sót, được bạn đọc tin tưởng. Tuy nhiên, trong xu thế bùng nổ thông tin thì báo Tin Tức cũng cần đi đầu trong việc đổi mới báo chí.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng: Báo chí tích cực thông tin xây dựng nông thôn mới
Trong thời gian quan, nhìn chung báo chí tuyên truyền đúng định hướng của Đảng và Nhà nước nói chung, các bộ ngành nói riêng. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là mảng lớn của đất nước trong thời gian qua, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới đã được báo chí phản ánh rất hiệu quả.
Khi có chương trình Quốc gia về nông thôn mới, hầu hết các mặt báo, truyền hình, phát thanh từ trung ương tới địa phương đều đăng tải thông tin rất đầy đủ, kịp thời.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất mới và khó, để giải quyết được những việc này thì báo chí có vai trò rất quan trọng, là những người mở đường. Trong thời gian qua, theo tôi báo chí đã làm được hai việc lớn: Thứ nhất là làm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới, đưa những chính sách, chủ trương này tới từng người dân, tạo ra sức mạnh cộng hưởng để mọi người chung tay xây dựng nông thôn mới, thông qua việc tuyên truyền nghị quyết để nhận được sự đồng tình ủng hộ.
Thứ hai, báo chí đã cung cấp thông tin để người dân biết chương trình xây dựng nông thôn mới như thế nào. Ai sẽ là người xây dựng nông thôn mới, làm bằng cách nào, làm từ đâu.... Người dân thấy được trách nhiệm của mình, còn chính quyền các cấp cũng hiểu được việc họ cần phải làm.
Đặc biệt, trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã lột tả được cơ bản những khó khăn khi xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền một số mô hình đã có, những mô hình gần thành công, để người dân hình dung được hình hài của nông thôn mới. Những mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới của Ban Bí thư cũng được báo chí phản ánh rất chính xác và kịp thời.
Nhưng bên cạnh đó, có một số tờ báo vẫn còn thiếu sót. Một bộ phận chưa theo kịp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều điển hình, tấm gương lãnh đạo cơ sở có cống hiến, đam mê với nông thôn mới chưa được phản ánh kịp thời.
Tôi thường xuyên đọc báo Tin Tức và các ấn phẩm khác của Thông tấn xã Việt Nam. Đặc biệt là những tin, bài phóng sự liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Sau khi báo Tin Tức phỏng vấn tôi về những bài học kinh nghiệm và kết quả đạt được sau khi thực hiện chương trình nông thôn mới ở 11 xã điểm, tôi nhận được nhiều phản ánh từ dư luận, đánh giá nội dung, bài báo đó gần như là một lời giải đáp rất rõ những kinh nghiệm bước đầu trong việc chỉ đạo điểm để tiến tới xây dựng trên phạm vi cả nước. Báo Tin Tức đã làm cho bạn đọc và người dân hiểu cần phải làm gì để xây dựng nông thôn mới. Đó là những thành công bước đầu rất đáng khích lệ.
Hữu Vinh (thực hiện)